Báo cáo về khả năng cạnh tranh, hậu cần và giao hàng được công bố ngày 9/9 tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 chỉ ra rằng, hậu cần vận chuyển chính là "câu thần chú" mở ra hang thần Alibaba. OECD khuyến nghị thực hiện đầy đủ hiệp định ASEAN về vận tải đa phương thức mà Brunei, Malaysia và Singapore vẫn chưa phê chuẩn. Đồng thời, tổ chức cũng đề xuất một khuôn khổ tài liệu duy nhất và nới lỏng ổn định hạn ngạch cũng như giấy phép để giảm bớt áp lực cho các chuyến hàng xuyên biên giới; loại bỏ dần các yêu cầu về vốn tối thiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường sử dụng hợp đồng bảo hiểm; đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài với các cơ chế sàng lọc để giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia; cải thiện các hạn chế vận chuyển nội địa đối với các công ty địa phương.
Chẳng hạn như hàng nhập khẩu vào Malaysia yêu cầu vận chuyển đến một cảng khác trong phạm vi đất nước chỉ có thể sử dụng tàu địa phương, gây ra sự chậm trễ và chi phí không cần thiết. Logistics trung bình chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội trong toàn khối, và ở một số quốc gia chiếm 20% giá hàng hóa. Thái Lan và Singapore đã đề xuất Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) tại một hội nghị thượng đỉnh cách đây 30 năm. Hiệp định chính thức đi vào hiệu lực năm 1993 và tạo ra động lực trong thế kỷ 21. Tháng 11 năm 2020, ASEAN đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 500 điều luật thường trực trong ASEAN và xác định những cải cách cần thiết. Ruben Maximiano, chuyên gia cạnh tranh cấp cao của OECD chia sẻ với Nikkei Asia: "Mặc dù chúng tôi biết rằng luôn có sự hợp tác gắn kết từ 10 quốc gia ASEAN nhưng những nỗ lực hiện không rõ ràng. Đặc biệt trong thời gian thế giới bị tấn công bởi đại dịch, chúng tôi nhận thấy mối quan tâm mới cần được lưu ý trong khối". Ông bổ sung thêm: "Còn quá sớm để nói về số lượng hay cải cách ở điểm nào nhưng chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị mà tổ chức tự tin sẽ thực hiện được".
OECD đánh giá cao các lợi ích tiềm năng từ việc giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng cạnh tranh và thương mại ở mức 4,5 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 1% GDP khu vực. Nhưng nhiều nhận định khác cho rằng con số thực tế có thể cao hơn gấp ba lần nếu có các tác động tích cực như tăng hiệu quả và điều chỉnh thuế. Theo một nhà quan sát chặt chẽ khác về cạnh tranh ASEAN, cải thiện hậu cần bằng cách điều chỉnh môi trường pháp lý hầu như không quá tốn kém và trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các chính phủ bị kiệt quệ bởi các gói kích thích kinh tế.
"Các chính phủ đang thiếu tiền mặt, đây là loại chất bôi trơn cho phép khu vực tư nhân tham gia và hoàn thành công việc mà không cần chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng. Đây là điều không nước nào mong muốn trừ khi họ muốn mắc bẫy nợ Sáng kiến Vành đai và Con đường", nhà quan sát trả lời Nikkei. Bên cạnh đó, các vấn đề về cơ cấu đang kìm hãm thương mại trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt năng lực vận chuyển trầm trọng. "Các cảng trên toàn thế giới đều đang gặp trục trặc rất lớn", một công ty giao nhận hàng hóa ở Bangkok cho biết. "Chi phí gửi một container 20 feet từ Trung Quốc sang Campuchia đã tăng gấp ba lần nếu không muốn nói là tăng gấp bốn lần. Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ sớm được giải quyết vì chiến tranh thương mại liên miên sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn".
Giao thông đường bộ cũng bị ảnh hưởng. Các xe tải ở biên giới Thái Lan - Campuchia không thể lưu thông với cùng một tài xế do lo ngại vi rút. "Trước COVID, các tài xế có thể qua biên giới dễ dàng nhưng hiện nay họ phải cách ly trong hai tuần. Có nghĩa là một lái xe mất đến một tháng cho một chuyến hàng. Điều này hoàn toàn không khả thi", một chuyên gia hậu cần ở Bangkok cho hay.
Ngay cả khi không có dịch bệnh, tiến bộ kinh tế vẫn luôn đứng trước những thách thức bởi sự phát triển không đồng đều của các thành viên ASEAN. Singapore đứng thứ bảy trên toàn cầu trong Chỉ số Hiệu suất Logistics năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, tiếp theo là Thái Lan ở ASEAN ở vị trí thứ 32. Thành viên có thành tích kém nhất trong lĩnh vực là Myanmar ở vị trí 137, dự kiến nước này tiếp tục tụt hạng trong năm nay. Theo một chuyên gia khác nhận định: "Singapore là một trong những nơi tuyệt vời nhất trên thế giới. Mặt khác hãy nhìn các nước như Thái Lan, Campuchia,... vẫn còn cần quá nhiều giấy tờ và tồn tại tình trạng quan liêu". Maximiano thừa nhận rằng "nếu không có một khuôn khổ pháp lý được xác định rõ ràng, hoạt động sẽ thiếu minh bạch và có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh". Ông cho biết, nghiên cứu của OECD xem xét việc áp dụng thực tế các quy tắc và quy định: "ASEAN được xây dựng dựa trên thương mại và thương mại, và đó là động cơ chính của sự tăng trưởng phi thường. Logistics là đáy của kim tự tháp cần thiết cho tất cả các hoạt động thương mại đó".
TL (theo Nikkei Asia)