Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) vừa phê duyệt phương án đầu tư trồng cà phê Arabica với quy mô dự kiến 2.000 ha, tại tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Champasak (Lào). Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng thông qua phương án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm và sản xuất kén tằm với tổng mức vốn khoảng 1.343 tỷ đồng. Dự án nuôi tằm này sẽ có quy mô tương tự 2.000ha, được thực hiện tại tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và 3 tỉnh Strungtreng, Attapeu, Champasak (Lào).
Kế hoạch trồng cà phê và nuôi tằm đã được bầu Đức nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2025. Vị này tiết lộ sẽ thực hiện từ tháng 7, sau khi đạt được cam kết tài trợ từ một số tổ chức tín dụng.
Với cà phê, HAGL lên kế hoạch trồng 2.000 ha trong năm nay và mở rộng thêm 2.000 ha vào năm 2026, nâng tổng diện tích lên 4.000 ha. Điểm khác biệt là công ty chọn trồng cà phê chè – giống cà phê có giá trị kinh tế cao, hiện giá lên tới 9.000 USD/tấn, cao gấp đôi so với cà phê vối.
Trong khi nuôi tằm đã được thử nghiệm từ cuối năm 2024 và đến nay các chỉ số trồng trọt, sinh trưởng đã hoàn thiện. Doanh nghiệp định hướng trồng dâu nuôi tằm và sản xuất tơ xuất khẩu, kỳ vọng tạo nguồn tiền lưu động ngắn hạn do chỉ cần khoảng 7 tháng là có thể thu hoạch.
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) khi đó nhấn mạnh việc lựa chọn dâu tằm và cà phê dựa trên thời gian thu hoạch ngắn hơn đáng kể so với các cây lâu năm. Trong khi sầu riêng cần khoảng 6 năm để cho thu hoạch, thì cà phê chè chỉ cần 2 năm, còn dâu tằm là 7 tháng, qua đó giúp công ty tăng tốc quay vòng vốn và chủ động dòng tiền trong giai đoạn tới.
Cách đây hơn một thập kỷ, khi đang ở thời hoàng kim của ngành gỗ, bất động sản và thủy điện, HAGL gây bất ngờ khi rẽ sang làm nông nghiệp quy mô lớn. Từ đó đến nay, HAGL vẫn trung thành với lĩnh vực kinh doanh này nhưng chiến lược, sản phẩm đã liên tục thay đổi.
Gần như, bầu Đức luôn phải “đau đầu” với giải bài toán nuôi con gì, trồng cây nào. Khi giá cao su thế giới đang vào thời kỳ lập đỉnh, HAGL chơi "tất tay" trồng cây cao su, để rồi nhận lại thất bại khi ôm khối nợ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Những năm sau đó, HAGL quyết định nuôi bò, bên cạnh là trồng các cây bổ trợ như cây bắp, bã mía, mật rỉ đường, bẹ lá cọ dầu, bã cọ dầu. Thế rồi, đàn bò cũng chỉ đem về nguồn thu trong hai năm, buộc doanh nghiệp một lần nữa phải chọn hướng đi khác. Nói thêm, khi đó nguồn thu từ bán bò mang về nhiều lợi nhuận, nhưng do cứ có lãi là ngân hàng siết nợ nên công ty rơi vào khó khăn chồng chất.
HAGL vẫn tiếp tục theo đuổi mảng nông nghiệp nhưng thu hẹp hoạt động theo hướng “một cây, một con”. Và chiến lược nuôi heo và trồng chuối ra đời năm 2020. Khi đó, bầu Đức “vui đến mất ngủ” và còn khẳng định heo của HAGL là loại ngon nhất Việt Nam.
Năm 2022, heo ăn chuối đã giúp kết quả kinh doanh của HAGL tăng trưởng vượt trội. Doanh thu của công ty đạt 5.110 tỷ đồng, tăng 144% so với năm 2021, trong đó mảng heo đem về gần 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của HAGL đạt 1.125 tỷ đồng năm đó, tăng gấp 8 lần cùng kỳ và quay trở lại câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ.
Tuy nhiên, thời thế thay đổi, giá heo rơi về mức thấp khiến mảng heo năm 2023 của doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận. Trước tình cảnh này, HAGL nhanh chóng dừng nuôi heo để tập trung nguồn vốn trồng và chăm sóc vườn chuối, sầu riêng.
Từ năm 2024 đến giữa năm 2025, giá heo hơi bất ngờ tăng mạnh. Giá heo hơi trong năm 2024 tăng tới 40% lên 67.000 đồng/kg. Đà tiếp tục kéo dài sang năm 2025 khi có thời điểm giá heo hơi đạt đỉnh hơn 3 năm, khoảng 85.000 đồng/kg (hồi tháng 3).
![]() |
Giá heo hơi rơi mạnh trong nửa cuối năm 2023 và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2024 đến nay. (Nguồn: Investing). |
Trong khi nhiều doanh nghiệp chăn nuôi như Dabaco (Mã: DBC), Nông nghiệp BAF (Mã: BAF) báo lợi nhuận tăng hàng chục lần, hay như cả tay ngang như Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận kết quả kinh doanh mảng chăn nuôi tăng trưởng mạnh, thì heo của HAGL lại “chật vật”.
Doanh thu bán heo của HQGL năm 2024 giảm 49% so với năm 2023 xuống 1.004 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp giải trình là khi giá heo xuống thấp, công ty đã dừng nuôi heo để tập trung nguồn vốn trồng và chăm sóc vườn chuối, sầu riêng. Ba tháng đầu năm 2025, doanh thu bán heo của HAGL giảm 74% còn 76 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý I/2021.
Chủ tịch HĐQT của HAGL cũng đã thừa nhận về việc bỏ lỡ con sóng giá heo hơi kéo dài hơn một năm rưỡi qua. Nguyên nhân chính là chưa sắp xếp được nguồn vốn để mở rộng đàn heo.
![]() |
Nguồn: Báo cáo của HAGL. |
Trở lại với chiến lược mới là trồng cà phê và nuôi tằm của HAGL vừa công bố, cũng có nhiều dấu hỏi về việc liệu công ty của bầu Đức có đang “chậm chân” khi hiện tại giá cà phê thế giới đang ở vùng đỉnh, và nhiều dự báo cho rằng giá cà phê sẽ hạ nhiệt?
Tại ĐHĐCĐ thường niên, bầu Đức cho biết ý tưởng đầu tư vào cà phê đến từ một chuyến đi thực tế tại Trung Quốc, nơi ông nhận thấy thói quen tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ.
“Trước đây người Trung Quốc chỉ uống trà, nhưng nay giới trẻ đã chuyển sang uống cà phê. Tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ phát triển tương tự như sầu riêng – cách đây 12 năm họ không thích sầu riêng, nhưng giờ lại rất chuộng,” ông nói.
Vị doanh nhân này kỳ vọng nếu Trung Quốc thực sự chuyển sang uống cà phê thì sẽ không bao giờ đủ hàng để bán – bởi họ có 1,4 tỷ dân. Nếu xu hướng này xảy ra thì giá cà phê sẽ rất khó giảm.
HAGL vừa điều chỉnh tăng kế hoạch cả năm khi nâng mục tiêu doanh thu từ 5.514 tỷ lên 7.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1.114 tỷ lên thành 1.550 tỷ đồng.
Trong đó, tập đoàn cho biết nửa cuối năm sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ cây sầu riêng – lĩnh vực được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nguồn thu chủ lực trong thời gian tới. Đây là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao, được công ty đầu tư bài bản và đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
![]() |
Một góc vườn sầu riêng giống Musang-king bên Lào của HAGL. (Ảnh: HAGL). |
Bên cạnh đó, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, trong quý III năm nay, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, công ty sẽ đủ điều kiện ghi nhận một khoản thu nhập bất thường trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế cả năm 2025 có khả năng đạt ngưỡng 2.500 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với kế hoạch điều chỉnh.
Khoản thu nhập bất thường nói trên đến từ kế hoạch phát hành 210 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này tương đương gần 70% lượng cổ phiếu đang lưu hành, được dùng để hoán đổi lô trái phiếu trị giá 2.520 tỷ đồng do 6 trái chủ nắm giữ (trái chủ lớn nhất là Hướng Việt Investment) qua đó giúp công ty ghi nhận hoàn nhập khoản dự phòng lớn trong báo cáo tài chính.