Lò đốt rác tiền tỷ tại Vĩnh Phúc hoạt động không hiệu quả!

09:30 18/01/2021

Dự án 11 lò đốt rác thải nông thôn bằng khí tự nhiên trị giá hơn 25 tỷ đồng, sau một thời gian đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập, có lò dừng hoạt động, gây bức xúc dư luận địa phương.

Những tưởng Dự án 11 lò đốt rác thải nông thôn bằng khí tự nhiên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, giao Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc là chủ đầu tư - quản lý dự án khi đi vào hoạt động sẽ xử lý hiệu quả lượng rác thải hàng ngày, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, đảm bảo sức khỏe người dân tại các xã của tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, các lò đốt rác này mang thương hiệu Sankyo của Thái Lan, giá hàng tỷ đồng nhưng hoạt động được một thời gian đã bộc lộ nhiều hạn chế, có lò hiện không hoạt động, dẫn đến tình trạng rác thải sinh hoạt vẫn phải đem đi đốt trực tiếp hoặc chôn lấp.

   Lò đốt rác mang thương hiệu Sankyo của Thái Lan tại xã Tam Hợp đã lâu không được sử dụng.

Xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, là một trong nhiều xã được Sở Khoa học & Công nghệ Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng 01 lò đốt rác thải NFi - 120 seri 1. Theo ghi nhận của PV Doanh nghiệp & Hội nhập, thời điểm hiện tại, lò đốt rác này đã dừng hoạt động, rác thải được đốt tại lò TH – 15 do Hợp tác xã dịch vụ Môi trường Tam Hợp chế tạo, có giá thành thấp, tiết kiệm nhân công lại xử lý lượng rác gấp 2 lần lò đốt rác của dự án.

“Đã lâu chúng tôi không sử dụng lò đốt rác thải của Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc vì công suất thấp, lượng rác đốt không nhiều, đốt cháy không hết rác”, một công nhân vệ sinh chia sẻ.

  Lò TH – 15 do HTX Dịch vụ Môi trường Tam Hợp chế tạo, có giá thành thấp, tiết kiệm nhân công lại xử lý lượng rác gấp 2 lần lò đốt rác của dự án do Sở Khoa học & Công nghệ Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.

Còn tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, lò đốt rác “ tiền tỷ” của dự án đã không hoạt động vì hư hỏng, các công trình phụ trợ đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua tìm hiểu, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại xã Hồ Sơn đều phải đem đi chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, khiến dân bức xúc. Thế nhưng trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tam Đảo lại cho rằng, thông tin đó là không đúng, lò đốt rác vẫn hoạt động bình thường. Khi phóng viên cung cấp hình ảnh thực trạng lò đốt rác và đề nghị ông Thành đi thực địa thì ông Thành nói bận và sẽ kiểm tra lại.

 Lò đốt rác tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đã không hoạt động vì hư hỏng. 

Có mặt tại xã Vĩnh Sơn và xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, phóng viên ghi nhận các lò đốt rác vẫn hoạt động nhưng do thiết kế công suất nhỏ (từ 120- 450kg/giờ) lại không đốt được rác có độ ẩm cao nên cả 2 lò đốt chỉ xử lý được một phần nhỏ rác thải chuyển về. Lượng lớn rác thải còn lại, bao gồm chất thải trơ, chất thải không thể xử lý được chuyển đến bãi rác gần lò đốt để xử lý dần, khiến bãi rác luôn trong tình trạng quá tải, nước rỉ rác chảy ra đồng ruộng gây ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí, công nhân vệ sinh còn đốt rác trực tiếp, khiến khói bụi bay thẳng đến khu dân cư.

  Lượng lớn rác thải không thể xử lý tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường được chuyển đến bãi rác gần lò khiến bãi rác luôn trong tình trạng quá tải, nước rỉ rác chảy ra đồng ruộng.

 

  Công nhân vệ sinh tại lò đốt rác xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường đốt rác trực tiếp, khiến khói bụi bay thẳng đến khu dân cư.

Như vậy, Dự án 11 lò đốt rác thải nông thôn bằng lò đốt khí tự nhiên do Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, quản lý sử dụng nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước nhưng không mang lại hiệu quả trong công tác xử lý rác thải, hạn chế mức gia tăng gây ô nhiễm môi trường như  mục tiêu đề ra. Dư luận cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thi công, lắp đặt và vận hành các lò đốt rác này?

Ngày 20/7/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 1648/QĐ-UBND về việc phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành Dự án Đầu tư mua sắm 11 lò đốt rác thải nông thôn bằng lò đốt khí tự nhiên do Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư - quản lý dự án, thời gian khởi công, hoàn thành (thực tế) từ tháng 04/2015-12/2017, trị giá 25.652.545.000 đồng, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án do Liên danh CTCP Vĩnh Phú Group và CTCP Đầu tư Phát triển Đồng Xanh ( gói 01); CTCP Đầu tư Phát triển Đồng Xanh ( gói 02) thực hiện tại các xã thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo, và thành phố Phúc Yên.

Để tìm hiểu rõ thực trạng và hiệu quả của Dự án 11 lò đốt rác thải nông thôn, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có văn bản đề nghị làm việc, trao đổi thông tin với chủ đầu tư dự án. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Nguyên Lý- Chánh Văn phòng Sở Khoa học & Công nghệ Vĩnh Phúc cho biết, do không phải là người trực tiếp triển khai dự án nên ông không nắm rõ cụ thể. Phóng viên cần trao đổi nội dung gì, ông sẽ báo cáo với ông Nguyễn Công Quang, Phó Giám đốc Sở - người được giao phụ trách dự án... 

 Văn bản phúc đáp liên quan đến Dự án 11 lò đốt rác của Sở Khoa học & Công nghệ Vĩnh Phúc gửi Đài Tiếng nói Việt Nam được ông Chánh Văn phòng Sở " nhân tiện" gửi cho phóng viên Doanh nghiệp & Hội nhập. 

Được biết, tại văn bản số 556- TB/TU ngày 30/11/2016, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nêu rõ những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở và các Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Vĩnh Phúc, trong đó có việc lắp đặt, nhận bàn giao, đưa vào sử dụng 8/11 lò đốt rác không đúng chủng loại đã được phê duyệt theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh và hợp đồng kinh tế ký kết với nhà thầu. Ông Ngô Khánh Lân hiện là Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thời điểm đó giữ chức Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Vĩnh Phúc.

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ thông tin về vụ việc.

Nhóm PVPL