Liu Qing, Chủ tịch Didi: "Sức hút độc đáo" của các nữ lãnh đạo

11:19 31/03/2021

Bài viết này kể về câu chuyện Chủ tịch Didi, Liu Qing từ bỏ vị trí cao nhất của Goldman Sachs để chuyển sang công ty khởi nghiệp. Cô là một minh chứng sống chứng minh phái nữ không hề thua kém nam giới trong lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngày nay, phái nữ lãnh đạo doanh nghiệp không còn là một khái niệm xa lạ, tuy nhiên trong thế giới kinh doanh phần lớn là nam giới, các nữ doanh nhân vẫn cần thêm nỗ lực để trở nên nổi bật. Li Xiujuan, giáo sư ngành quản lý học tại Học Viện Kinh Doanh Quốc tế Trung Âu đã thực hiện một phân tích về năng lực lãnh đạo trên 1.379 quản lý cấp cao của các công ty Trung Quốc trong ba năm qua. Phân tích cho thấy “Nam giới dường như có tiềm năng và năng lực lãnh đạo mạnh mẽ hơn phụ nữ” là một định kiến nặng nề vẫn luôn tồn tại trong xã hội Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung. 

Liu Qing
Liu Qing. (Ảnh: toutiao)

Liu Qing xuất thân cành vàng lá ngọc trong một gia đình nổi tiếng có cha là Liu Chuanzhi, ông chủ sáng lập Tập đoàn Lenovo. Vào những năm 1980, Liu Chuanzhi đã dẫn dắt một số chuyên gia Công nghệ Thông tin (CNTT) khởi nghiệp với 200.000 nhân dân tệ và bắt đầu viết nên hành trình huyền thoại của Lenovo. Công ty liên tiếp phát triển một loạt máy tính thương hiệu cùng tên với hiệu suất vượt trội và nhanh chóng trở thành bá chủ của ngành CNTT Trung Quốc thông qua đổi mới công nghệ và chi phí thấp. Hiện nay, ngoài việc tung ra thị trường máy tính cá nhân, Lenovo còn phát triển hàng loạt sản phẩm như máy chủ, máy trạm, máy tính bảng, điện thoại thông minh, TV thông minh.

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, Liu Qing ngay từ nhỏ đã bị hấp dẫn và chịu ảnh hưởng từ người cha tài giỏi. Năm 1996, Liu Qing được nhận vào Đại học Bắc Kinh và chọn học ngành khoa học máy tính. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục theo học chuyên ngành này tại Đại học Harvard. Ban đầu cô hy vọng có thể thể hiện tài năng của mình trong lĩnh vực CNTT nhưng đồng thời cô cũng muốn thoát khỏi cái bóng của cha mẹ mình. Bị gắn mác “con gái của Liu Chuanzhi” là áp lực vô hình đối với Liu Qing, cô luôn muốn chứng minh rằng thành tích bản thân đạt được là nhờ tự lực và không liên quan gì đến gia cảnh.

Năm 2001, Liu Qing đến Goldman Sachs Hong Kong để học hỏi trong hai tháng. Kết quả là đợt thực tập này giúp cô thực sự tìm ra hướng đi sự nghiệp của mình, đó là tham gia vào một ngân hàng đầu tư. Liu Qing thẳng thắn nói với gia đình: "Các ngân hàng đầu tư giúp con nhanh chóng hiểu được cách thức hoạt động của xã hội kinh doanh. Con có cơ hội tiếp xúc với một số lượng lớn các công ty, suy ngẫm về đặc điểm của các doanh nhân, đánh giá đặc điểm của mô hình kinh doanh, nghiên cứu nguyên nhân thành công hay thất bại của những công ty này” và nhận được sự ủng hộ của gia đình. Liu Qing sau nhiều vòng thử thách đánh bại hàng loạt đối thủ đã chứng minh được khả năng nổi bật của bản thân và được nhận vào làm với vị trí chuyên gia phân tích khu vực châu Á. Sau 12 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cô trở thành giám đốc điều hành trẻ nhất của ngân hàng đầu tư thế kỷ Goldman Sachs Asia. Hàng năm, Liu dẫn đầu đoàn thanh tra hàng nghìn dự án đầu tư, bao gồm nhiều lĩnh vực như dịch vụ y tế, sức khỏe, tiêu dùng, tài chính, v.v. Goldman Sachs đã từng có ý định đầu tư vào dịch vụ gọi xe Didi Chuxing nhưng đều bị các tổ chức như Jinshajiang Ventures, Tencent và Quỹ CITIC dẫn trước. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Liu Qing nảy sinh ý tưởng “nhảy việc” từ Goldman Sachs sang Didi Travel. Cheng Wei, hiện là Tổng giám đốc điều hành của Didi Chuxing vui mừng khôn xiết khi biết Liu Qing muốn đầu quân về Didi. Anh biết rằng nếu có thể tuyển dụng một nữ nhân tài ngành tài chính có tầm nhìn quốc tế như Liu Qing làm COO thì Didi Travel sẽ hoàn hảo hơn bất kì công ty nào. Tuy nhiên có không ít thành viên của công ty cảm thấy Liu Qing không phù hợp vì khi đó cô đang ở trên vị trí “đỉnh tháp” của một ngân hàng đầu tư danh giá với mức lương khủng. Quyết định sẵn sàng bỏ tất cả để đến với một công ty khởi nghiệp như Didi Chuxing đã nhận về không ít nghi ngại.

Tuy nhiên, Liu Qing sẵn sàng “chiến đấu” trong một thế giới mới và đầy thử thách. Kể từ đó, Liu Qing và Cheng Wei đã trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” cũng giống như Jack Ma và Cai Chongxin (phó chủ tịch điều hành Alibaba) hay Ma Huateng và Liu Chiping (giám đốc điều hành Tencent). Liu Qing nhanh chóng thay đổi bản thân để hòa nhập với đội ngũ mới, cô không đi máy bay hạng nhất mà ngồi hạng phổ thông, không ở khách sạn năm sao cũng như hiếm khi sài hàng hiệu. Sau khi gia nhập Didi Chuxing, Liu Qing học cách quản lý doanh nghiệp nhỏ, chuyên sâu và tỉ mỉ. Cô nhận xét rằng: “Các ngân hàng đầu tư giống như những kẻ du mục. Tôi cần phải đi cả ngày và tìm kiếm các dự án trên lưng ngựa. Khi một dự án kết thúc, tôi tiếp tục tìm kiếm dự án tiếp theo. Bây giờ tôi giống như một người nông dân, trồng một cây non và cẩn thận chăm sóc nó lớn lên”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, vào tháng 12 năm 2014, Liu Qing đã tự mình điều hành Didi Chuxing hoàn thành vòng tài trợ D trị giá 700 triệu đô la Mỹ và đây cũng là một trong những khoản tài trợ lớn nhất trong lịch sử Internet di động của Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 1 năm 2014, Quỹ Công nghiệp CITIC, Tencent, v.v. đã đầu tư 100 triệu đô la Mỹ vào Didi Chuxing, cho phép Didi Chuxing hoàn thành vòng tài trợ C. Kể từ khi Liu Qing gia nhập, các nhà tài trợ ngay lập tức tăng số tiền lên gấp sáu lần. Liu Qing đã nhận được nhiều sự công nhận của người cùng ngành. Người sáng lập Viện nghiên cứu AI Foresight, Zhu Xiaohu bày tỏ niềm ngưỡng mộ: “Khoản tài trợ trước đây của Didi vẫn cần sự giúp đỡ của tôi. Cheng Wei đã nhờ tới tôi khi sang Mỹ. Sau khi Liu Qing đến thì cô ấy không cần nữa và tất cả đều được giải quyết trong ba tháng”. Sáu tháng sau khi gia nhập công ty, Liu Qing được thăng chức từ Giám đốc điều hành lên Chủ Tịch. Vào tháng 2 năm 2015, trong một bức thư ngỏ thông báo việc thăng chức Liu Qing, Cheng Wei khẳng định: “Trong sáu tháng kể từ khi Liu Qing gia nhập Didi, cô ấy đã giúp công ty hoàn thành niêm yết lớn nhất tại thời điểm đó, một khoản tài chính trị giá 700 triệu đô la Mỹ và dẫn đầu đội PR (quan hệ công chúng), GR (quan hệ chính phủ) đi đến thắng lợi”.

Không hề quá khi gọi Liu Qing là “Nữ tướng hàng đầu” của Didi Chuxing, góp phần quan trọng trên con đường đưa công ty dịch vụ gọi xe đến vị trí ngày hôm nay. Tuy rằng sau này tập đoàn Lenovo của cha cô có đầu tư vào Didi nhưng không thể phủ nhận Liu Qing đã hoàn toàn thuyết phục giới kinh doanh cũng như củng cố sức hút và khả năng lãnh đạo của nữ giới chưa bao giờ là yếu thế.

TL