Lập cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm

11:26 01/12/2021

Thông thường, cuối năm là thời gian gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng giả. Để chủ động ngăn chặn, lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường… đã lập kế hoạch cao điểm đấu tranh giai đoạn trước và sau tết Nguyên đán 2022.

Nhiều mặt hàng trọng điểm bị đưa vào "tầm ngắm"

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo kế hoạch, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; mặt hàng trọng điểm, rủi ro cao... Đồng thời tập trung kiểm soát chặt chẽ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán tại các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường bộ và đường hàng không; xây dựng phương án đấu tranh với các đối tượng lợi dụng việc nhập khẩu hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Trong đó, lực lượng Hải quan tập trung vào các nhóm mặt hàng: hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội (vũ khí, ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo các loại, động vật hoang dã...); hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...; hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết (thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, điện thoại di động, hàng may mặc...). Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát để chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để buôn lậu các mặt hàng tân dược, thiết bị y tế, sinh phẩm y tế và các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi lợi dụng chính sách, thủ tục đối với việc từ chối nhận hàng và tái xuất để buôn lậu...; tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất. 

  Ảnh minh họa.

Kiểm soát từ biên giới đến nội địa

Ngày 18/11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong kế hoạch này, Tổng cục QLTT đưa nhiều địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Đó là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống..., các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác QLTT tại tuyến biên giới phía Bắc sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, chợ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn); cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu Kim Thành, chợ Cốc Lếu (tỉnh Lào Cai); TP Móng Cái (Quảng Ninh); cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang); cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên)..., với các mặt hàng trọng điểm như pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang (quần áo, giày dép, túi xách...), khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc gia cầm, thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay)...

Cục QLTT ở tuyến biên giới miền Trung-Tây Nguyên sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh); cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); cửa khẩu Lao Bảo, chợ Đông Hà (Quảng Trị), với các mặt hàng trọng điểm như đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...

Cục QLTT ở tuyến biên giới Tây Nam sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); khu vực huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang); khu vực thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp); cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), với các mặt hàng trọng điểm: thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Đối với Cục QLTT các tỉnh trong nội địa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp tết Nguyên đán và mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

PV (t/h).