Tập trung mũi nhọn kinh tế
Nhắc lại thời điểm ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 353/QĐ-TTg, trong đó đưa Bát Xát vào danh sách các huyện nghèo nhất cả nước, tỉnh Lào Cai có 4 huyện. Đến tháng 1/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TU, trong đó đưa ra định hướng phát triển kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển hai hành lang kinh tế chủ yếu: Phía Đông dọc theo trục sông Hồng sẽ chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại, kinh tế cửa khẩu và du lịch, trong khi đó, phía Tây sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và nông nghiệp bền vững, khai thác tối đa tiềm năng du lịch và giá trị văn hóa địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Lào Cai, trong chỉ đạo, điều hành, Đảng bộ huyện Bát Xát đưa ra dự báo sát thực tế, xác định rõ thuận lợi, khó khăn, từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên để triển khai. Bất chấp tình hình kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn, năm 2024, huyện Bát Xát đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 38,25 triệu đồng, đạt 94,21% kế hoạch năm và tăng 7,44% so với năm 2023. Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại huyện cũng ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị sản xuất ước đạt 8.300 tỷ đồng, đạt 90,22% kế hoạch.
Một điểm du lịch gắn với các lễ hội mùa thu tại Bát Xát. Ảnh Hoàng Kiều. |
Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế tiềm năng, được huyện Bát Xát đặc biệt chú trọng phát triển. Với chiến lược quảng bá và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng và mạo hiểm, Bát Xát đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Các điểm đến như: Đền Mẫu Trịnh Tường, Cột cờ Lũng Pô, du lịch Y Tý, du lịch leo núi Lảo Thẩn, núi Ky Quan San và các thôn bản của người Hà Nhì, Dao đỏ đang ngày càng trở nên quen thuộc đối với du khách. Trước đây, Bát Xát được ví như "nàng công chúa ngủ trong rừng" với những tiềm năng du lịch chưa được khai thác, nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, du lịch Bát Xát đã được "đánh thức" và trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của tỉnh Lào Cai và cả nước. Xã Y Tý, trước đây là khu vực xa xôi nhất huyện, giờ đã trở thành một "điểm sáng" trong phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái. Từ những homestay đơn giản, Y Tý nay đã có khoảng 30 cơ sở lưu trú, bao gồm cả nhà nghỉ hiện đại và khu nghỉ dưỡng cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bát Xát. Ảnh: Hoàng Kiều. |
Nhìn rộng ra toàn huyện, Bát Xát trong những năm gần đây đã có những chuyển biến rõ rệt trong phát triển du lịch. Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Cho tới năm 2025, công tác quy hoạch và phát triển du lịch đã được huyện chú trọng, ban hành các nghị quyết chuyên đề của tỉnh và huyện nhằm thúc đẩy ngành du lịch. Hiện nay, huyện Bát Xát xác định rõ không gian phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó, hành lang phía Đông sẽ phát triển du lịch văn hóa tâm linh dọc theo sông Hồng, còn hành lang phía Tây tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp và bảo tồn văn hóa truyền thống. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu vực như Bát Xát, Sa Pa, thành phố Lào Cai và các xã với đô thị du lịch Y Tý tương lai đang được nâng cấp và cải tạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Ruộng bậc thang Bát Xát được du khách du ví như bức tranh thủy mặc thiên nhiên ban tặng cho con người, tạo nên nét riêng có của Y Tý. |
Các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bát Xát đã được định hình rõ nét, với các loại hình như du lịch cộng đồng, leo núi, tâm linh và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, huyện đã có 6 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận tại các xã Y Tý, Dền Sáng, Mường Hum, Bản Xèo, A Mú Sung, và đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận thêm 5 di tích danh thắng cấp tỉnh, bao gồm đỉnh Lảo Thẩn, thác Ong Chúa, đỉnh Nhìu Cồ San, đỉnh Ky Quan San và đỉnh Putaleng. Với tiềm năng du lịch vô giá, Bát Xát được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm và đầu tư, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong tương lai.
Theo bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, Nghị quyết số 36 của Tỉnh ủy đã đặt ra mục tiêu đưa du lịch Bát Xát trở thành ngành kinh tế chủ lực. Huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm đạt trên 20%, tỷ trọng dịch vụ du lịch trong GRDP chiếm khoảng 25%, doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tổng lượng du khách đạt hơn 1,8 triệu lượt, và toàn huyện sẽ có hơn 3.000 phòng lưu trú. Với những chiến lược phát triển đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Bát Xát đang từng bước trở thành một trung tâm du lịch mới của tỉnh Lào Cai, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Lợi ích của người dân là ưu tiên hàng đầu
Công tác giảm nghèo tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, mặc dù đã có những tiến triển nhất định nhờ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là sự bấp bênh trong đầu ra của các sản phẩm nông sản như chuối, dứa, củ Hoàng Sin Cô, khiến cho tình trạng "được mùa, mất giá" thường xuyên tái diễn.
Phát triển cây ăn quả ôn đới nhằm khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Bát Xát. Ảnh: Hoàng Kiều. |
Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của đa số người dân trong huyện còn hạn chế. Phần lớn vẫn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, và vẫn còn tư tưởng bảo thủ, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Việc sản xuất chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Trước thực trạng trên, huyện Bát Xát đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi cây trồng từ những loại kém hiệu quả như lúa, ngô, khoai, sắn sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Những bước chuyển này đã bắt đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời giúp huyện thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Phát huy thế mạnh chăn nuôi tại huyện Bát Xát. Ảnh: Đức Tiến. |
Ông Tô Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, chia sẻ: Việc chuyển đổi từ cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chè, cây ăn quả, chuối, dược liệu và các cây trồng đặc biệt như lê tai nung, nho sữa Hàn Quốc, hoa ly không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện. Thu nhập của nông dân tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần trong những năm gần đây, là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của công tác chuyển đổi này.
Nhằm tiếp tục phát huy giá trị các loại cây trồng và góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, huyện Bát Xát đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Huyện sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa sự quan tâm và đầu tư từ Trung ương và tỉnh Lào Cai để hỗ trợ người dân phát triển các ngành hàng chủ lực và tiềm năng. Cụ thể, mục tiêu đến hết năm 2025 diện tích chè sẽ đạt 574 ha, chuối 1.185 ha, dứa 60 ha, cây dược liệu 365 ha, cây Hoàng Sin Cô 170 ha và đao riềng 160 ha. Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các cơ sở chế biến và liên kết tiêu thụ các nông sản chủ lực, tiềm năng, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Đến năm 2025, huyện dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy chế biến chè và một nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói hoa quả.
Bên cạnh việc phát triển diện tích cây trồng, huyện cũng chú trọng vào việc quản lý và phát triển các sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, bao gồm sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tham gia vào thị trường quốc tế. Việc gắn phát triển các ngành hàng chủ lực với chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, và góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện Bát Xát trong tương lai.
Bát Xát có đến 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hội Nông dân huyện có hơn 12.000 hội viên sinh hoạt tại các chi hội trực thuộc 12 cơ sở hội. Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực, nông dân các dân tộc trong huyện luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Bát Xát đã giảm được 809 hộ = 4,5% số hộ nghèo của huyện, phấn đấu hết năm 2024 Bát Xát tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,28%. |