Sự xuất hiện của ChatGPT và Google Bard đã tạo nên một lời hứa hẹn về xu hướng công nghệ tương lai, nơi con người chỉ cần ra lệnh và AI sẽ làm mọi thứ. Từ các ông lớn công nghệ đến những công ty khởi nghiệp đều chạy theo các mô hình trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu do Crunchbase thu thập cho thấy, hơn 25% số tiền đầu tư khởi nghiệp đã được đổ vào doanh nghiệp AI trong 9 tháng đầu năm.
Theo tính toán của công ty nghiên cứu công nghệ và đầu tư PitchBook, quy mô thị trường dành cho ứng dụng AI sáng tạo ước đạt 43 tỷ USD năm nay và đang tăng với cấp số nhân. Tốc độ phát triển nhanh chóng khiến không ít người trẻ bỏ học để tham gia.
Số lượng những nhà sáng lập bỏ học hiện không được theo dõi nhưng hàng loạt người trong số đó đã chấp nhận tới một cuộc gặp mặt vào mùa hè này, tổ chức bởi Y Combinator – một chương trình khởi nghiệp cho những startup hứa hẹn, rời trường học để tự điều hành công ty.
Các nhà đầu tư thường ca ngợi sự sẵn sàng chấp nhận thử thách của những người bỏ học nhưng cũng lưu ý rằng, rất nhiều dự án mạo hiểm sẽ thất bại.
Trong số những nhà sáng lập được chấp nhận vào Y Combinator có công ty của Govind Gnanakumar. Govind Gnanakumar vẫn còn mặc bỉm khi Mark Zuckerberg bỏ học Harvard để khởi nghiệp xây dựng mạng xã hội Facebook. Hiện tại khi đã lớn, giống nhà sáng lập Meta, Gnanakumar cũng không thể chờ tới khi tốt nghiệp đại học mới bắt đầu triển khai hoạt động kinh doanh của riêng mình.
Vậy là, ở tuổi 19, anh đã bỏ học Georgia Institute of Technology vào tháng 5 để tập trung toàn thời gian vào startup trí thông minh nhân tạo (AI) của mình có tên Automorphic. Anh cũng là một trong những nhóm sinh viên trong độ tuổi 20 sẵn sàng bỏ học để tìm cách kiếm tiền trong cơn sốt AI.
Rời bỏ tấm bằng để khởi nghiệp với công nghệ AI
Gnanakumar đã dành năm cuối trung học để nghĩ rằng bản thân sẽ học khoa học máy tính, triết học và ngôn ngữ học ở trường đại học. "Năm cuối cấp ba, đó là khoảng thời gian khá thú vị vì tôi có khá nhiều thời gian để khám phá niềm yêu thích của mình đối với khoa học máy tính. Cuối cùng tôi đã đăng ký vào Georgia Tech với dự định học chuyên ngành khoa học máy tính. Tuy nhiên, khi bắt đầu, tôi khá ngạc nhiên vì tốc độ học tập chậm chạp.Tôi vẫn nghĩ trường học là một cách tuyệt vời để cấu trúc cuộc sống của bạn và nó có giá trị. Nhưng với một đứa nhanh nhẹn như tôi, thì tôi bắt đầu cảm thấy hơi ngột ngạt ở trường", Gnanakumar chia sẻ với Insider.
Gnanakumar bắt đầu đặt câu hỏi liệu bạn có thực sự nhận được đủ giá trị từ nó hay không? "Đặc biệt, tôi nghĩ rằng khoa học máy tính là thứ mình có thể học ở bất cứ đâu. Bạn có thể đọc sách giáo khoa và tự mình xây dựng mọi thứ", Gnanakumar nói.
Vì vậy, Gnanakumar không cảm thấy mình nhận được nhiều giá trị từ lớp học. Từ đó, anh ít đến lớp hơn, thay vào đó anh và các bạn bắt đầu xây dựng rất nhiều thứ ngoài lớp học thú vị hơn nhiều.
AI đang phát triển rất nhanh và đó chính xác là mục tiêu khởi nghiệp của anh cùng những người bạn. Cuối cùng, anh đã đăng ký khóa học mùa đông cho chương trình tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator cùng với hai sinh viên Georgia Tech khác - Mahesh Natamai và Maaher Gandhi.
Gnanakumar chia sẻ thêm: "Có rất nhiều người rất thông minh ở Georgia Tech, nhưng rất ít người trong số họ có tinh thần khởi nghiệp, vì vậy chúng tôi tìm thấy nhau khá tình cờ. Trong ứng dụng đầu tiên, chúng tôi đã đề xuất một dự án lập chỉ mục dữ liệu trên các ứng dụng cá nhân. Đó là một dự án hấp dẫn nhưng chúng tôi trình bày chưa đủ rõ ràng và không được chấp nhận. Tuy nhiên, lần thử thứ hai của chúng tôi đã thành công. Công ty khởi nghiệp mà chúng tôi hiện đang xây dựng có tên là Automorphic và mục tiêu của chúng tôi là giúp các nhà phát triển lặp lại và cải thiện các mô hình ngôn ngữ tùy chỉnh với chi phí thấp và hiệu quả".
Hiện tại, mọi người đang sử dụng những mô hình khổng lồ như GPT-4 chứa hàng nghìn tỷ thông số. Tuy nhiên, trong tương lai, Gnanakumar cho rằng, mọi người sẽ muốn chạy nhiều mô hình dành riêng cho nhiệm vụ hơn.
Đối với Gnanakumar, trải nghiệm khi bỏ học để lập công ty riêng cũng đáng giá như việc học để lấy được tấm bằng. Công việc tại startup của anh là tạo công cụ AI có thể trả lời các câu hỏi phức tạp về một số chủ đề mang tính chuyên ngành, chẳng hạn như gene hoặc luật sáng chế.
"Nhiều người muốn tự động hóa công việc của họ. Tôi muốn giúp họ thực hiện điều đó sớm hơn", Gnanakumar nói.
Làn sóng AI kéo theo đam mê khởi nghiệp
Làn sóng AI lần này có một số điểm tương đồng với các đợt bùng nổ công nghệ trước đây, khi hàng loạt sinh viên bỏ học để theo đuổi cơn sốt mới. Đại học Stanford cho biết, từng không ít lần khuyên sinh viên "kiềm chế tham vọng" và tập trung lấy bằng cấp thay vì nghỉ học sớm.
Theo Jeffrey Sohl, phụ trách một quỹ đầu tư thiên thần cho sinh viên tại Đại học New Hampshire, việc thành lập một công ty AI đòi hỏi phải am hiểu về lĩnh vực này, đặc biệt là tìm được lượng dữ liệu đầu vào lớn, cũng như biết cách xây dựng và đào tạo mô hình AI. Theo ông, thực tế nhiều sinh viên tạo được các sản phẩm có tính ứng dụng cao, sau đó quay lại trường để hoàn thành khóa học. Họ cũng sẵn sàng mạo hiểm do chưa có tài sản phải thế chấp hay vướng bận con cái.
Thực tế, nhiều người đã bỏ học và thành công trong lĩnh vực công nghệ, như Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Steve Jobs. "Đó là điều kỳ diệu của tuổi trẻ và bạn có thể yêu điều đó", Sohl nói, nhưng nhấn mạnh chỉ số ít trên thế giới làm được như vậy. "Hầu hết thất bại. Không phải tất cả đều có thể thay đổi thế giới".
Các công cụ AI tạo ra như ChatGPT đã loại bỏ một số rào cản mà các doanh nhân trước đây phải đối mặt khi thành lập công ty. Ví dụ, một người sáng lập có thể sử dụng AI để phát triển các thuật toán mà trước đây sẽ yêu cầu một nhóm kỹ sư tạo ra, Jenny Fielding, đồng sáng lập và đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Everywhere Ventures cho biết.
Kevin Lu 20 tuổi, gần đây đã rời Đại học Waterloo ở Canada để dành nhiều thời gian hơn cho Sweep AI – công cụ mà anh nói rằng có thể giải quyết những công việc truyền thống được làm bởi những lập trình viên mới vào nghề.
Tiềm năng của AI trong việc nâng cấp hoặc thay thế việc làm cho Lu thêm 1 cảm giác cấp thiết để dành toàn bộ thời gian cho công ty – nơi anh đang là CTO. “Đến lúc tốt nghiệp, tôi sẽ bị thay thế bởi AI rồi”.
Trong một phân tích mới đây của McKinsey, 30% thời gian của nhóm người lao động trong lĩnh vực công nghệ có thể bị thay thế bởi tự động hoá trong thập kỷ tới. 80% người lao động ở trong lĩnh vực mà ít nhất 1 việc có thể được tiến hành nhanh hơn bởi AI.
Kartik Hosanagar, phụ trách chương trình ươm mầm tài năng của Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết, các sinh viên và những người mới bỏ học để lập công ty riêng coi sản phẩm của mình là một dự án kinh doanh. "Hầu hết ý tưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp gần đây của trường đều gắn với AI, ngay cả khi chúng không cần thiết", Hosanagar nói.
David Zhi LuoZhang và Jeffrey Pan, đều 20 tuổi, đã tham gia khóa đào tạo về máy học ở cấp độ sau đại học tại Đại học Pennsylvania năm ngoái khi là sinh viên năm hai. Sau đó, cả hai tạo ra Bronco AI, công cụ tổng hợp dữ liệu kinh doanh để hỗ trợ việc ra quyết định của các giám đốc điều hành. Khi nhận khoản đầu tư đầu tiên, họ nghỉ học.
"Thật khó tập trung vào bài tập về nhà khi bạn đang nghĩ về cách thức giúp các CEO điều hành các nhà máy ở Mỹ", LuoZhang nói về lý do nghỉ học.
Jay Dang, 21 tuổi, đã bỏ học Đại học California Berkeley vào tháng 1 sau khi thành lập FlowGPT. FlowGPT có một bộ ứng dụng AI tổng quát có thể tạo trò chơi hoặc thực hiện các tác vụ như viết tài liệu tiếp thị và chỉnh sửa sơ yếu lý lịch.
Dù từng còn nhiều băn khoăn nhưng giờ đây Jay Dang gọi đó là quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời mình. FlowGPT tuyển dụng 8 nhân viên toàn thời gian và có 2,2 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Những người đồng sáng lập cho biết, vào tháng 5, FlowGPT đã huy động được 2 triệu USD với mức định giá 12 triệu USD.
Jay Dang cho biết, hiện anh làm việc 90 giờ một tuần khi khởi nghiệp, điều này không thể thực hiện khi mà bạn vẫn phải vật lộn với các kỳ thi và lớp học. Dẫu vậy, Dang nói, anh vẫn có một Kế hoạch B: “Bạn luôn có thể quay lại trường đại học nếu thất bại”.
Minh Phương (t/h)