Làm gì khi chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng?

09:45 22/01/2021

Người nhận được khoản tiền chuyển nhầm cố tình không trả tiền cho chủ sở hữu, cố tình trốn tránh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữa trái phép tài sản” theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, việc chuyển tiền thanh toán hay vay nợ trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ có nhiều kênh giao dịch khác nhau của ngân hàng. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh trên tay, bạn cũng có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền đến tài khoản. Tuy nhiên sự tiện dụng này cũng gặp một số những rủi ro như chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng.

Tội

Tội "Sử dụng trái phép tài sản" theo Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người phạm tội sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, hoặc bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ 2 năm, cao nhất là 7 năm tù. (Ảnh: minh hoạ)

Không ít các trường hợp chuyển nhầm tiền vào một tài khoản mà không biết xử lý thế nào? Tạp chí Doanhnghiephoinhap giới thiệu tới quý độc giả một số thông tin hướng dẫn xử lý khi bạn lỡ chuyển nhầm tài khoản.

Khởi kiện dân sự

Đối với trường hợp cá nhân chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng thì cần phải liên hệ ngân hàng để gửi yêu cầu hủy lệnh thanh toán đã chuyển nhầm. Nếu lệnh thanh toán chưa được hoàn tất, khả năng khách hàng được ngân hàng hoàn trả lại số tiền sẽ rất cao.

Khi chuyển khoản nhầm, khách hàng hãy cố gắng liên hệ ngay với ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tài khoản thụ hưởng. Từ đó yêu cầu ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản chuyển nhầm để xử lý theo quy định.

Cung cấp đầy đủ mọi thông tin phát sinh có liên quan đến quá trình giao dịch như biên lai, chứng minh thư nhân dân, số tài khoản người gửi, số tài khoản thụ hưởng… Việc yêu cầu cung cấp thông tin và giấy tờ liên quan này giúp ngân hàng dễ dàng kiểm tra các nghiệp vụ đã phát sinh từ bạn.

Phía ngân hàng sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các nghiệp vụ đã phát sinh theo như thông tin mà bạn cung cấp. Nếu đúng, ngân hàng sẽ liên hệ trực tiếp với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà bạn đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu họ chuyển hoàn lại số tiền đó.

Theo đó, nếu số tài khoản của người được chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng (nghĩa là họ vẫn chưa rút tiền ra khỏi tài khoản) thì tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản của bạn.

Trong trường hợp người được chuyển nhầm đã rút hết tiền ra khỏi tài khoản, không còn khả năng thanh toán thì phía ngân hàng chủ quản kia buộc phải liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương và các cơ quan như tòa án, công an để thu hồi lại số tiền.

Trong trường hợp chuyển nhầm, lệnh thanh toán đã hoàn tất mà người nhận không có thiện chí trả lại thì người chuyển nhầm có thể căn cứ vào quy định về nghĩa vụ hoàn trả của người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật theo Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 để khởi kiện người nhận được tiền không chịu hoàn trả.

Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả: "Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Trong trường hợp ngân hàng không thể giải quyết để giúp người chuyển nhầm lấy lại được số tiền thì người chuyển nhầm có thể tiến hành theo phương án kiện dân sự. Người chuyển nhầm có thể đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm.

Yêu cầu xử lý hình sự

Nếu người nhận được khoản tiền chuyển nhầm cố tình không trả tiền cho chủ sở hữu, cố tình trốn tránh, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữa trái phép tài sản” theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”: 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Khi đó, người chuyển nhầm tiền cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra hoặc đến trực tiếp Cơ quan điều tra để tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của người nhận được số tiền chuyển nhầm.

Trách nhiệm xử lý của ngân hàng

Trách nhiệm của Ngân hàng khi người chuyển tiền nhầm đã làm đơn tra soát, để phối hợp giúp khách hàng nhận lại tiền hiện hướng dẫn cụ thể tại Điều 33 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.

Đối với đơn vị khởi tạo lệnh thanh toán: Nếu lệnh thanh toán đã được xử lý và gửi đi, Trung tâm Xử lý Quốc gia đã hạch toán, ngân hàng khởi tạo lập Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán và căn cứ vào yêu cầu hủy hợp lệ của khách hàng bổ sung các yếu tố cần thiết của Yêu cầu hoàn trả và ký chữ ký điện tử của người lập lệnh lên Yêu cầu hoàn trả.

Người duyệt lệnh phải kiểm soát lại các yếu tố của Yêu cầu hoàn trả vừa lập với yêu cầu hủy của khách hàng để bảo đảm sự chính xác và khớp đúng. Nếu đúng, người duyệt lệnh ký chữ ký điện tử của mình lên Yêu cầu hoàn trả và gửi đơn vị nhận lệnh;

Khi nhận đủ số tiền do đơn vị nhận lệnh hoàn trả, Ngân hàng khởi tạo lệnh thực hiện các thủ tục hoàn trả tiền cho khách hàng.

Đối với đơn vị nhận lệnh thanh toán: Khi nhận được Yêu cầu hoàn trả của đơn vị khởi tạo lệnh, Ngân hàng nhận lệnh thanh toánphải kiểm tra tính hợp lệ của Yêu cầu hoàn trả và đối chiếu Yêu cầu hoàn trả với Lệnh thanh toán đã nhận được và xử lý theo thủ tục hoàn trả.

Nếu Lệnh thanh toán Có đến chưa được thực hiện , Ngân hàng nhận lệnh gửi ngay cho Ngân hàng khởi tạo lệnh Thông báo chấp nhận Yêu cầu hoàn trả và lập Lệnh thanh toán Có hoàn trả cho Ngân hàng khởi tạo lệnh;

Nếu Lệnh thanh toán đến đã được thực hiện tại đơn vị nhận lệnh: Ngân hàng nhận lệnh phải gửi ngay Yêu cầu hoàn trả cho khách hàng để thông báo. Chỉ trong trường hợp khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc nộp tiền mặt hoặc lập chứng từ thanh toán trích tài khoản của mình để chuyển trả thì Ngân hàng nhận lệnh mới được phép thông báo chấp nhận Yêu cầu hoàn trả cho đơn vị khởi tạo lệnh biết. Sau đó, Ngân hàng nhận lệnh thực hiện lập Lệnh thanh toán Có để hoàn trả cho đơn vị khởi tạo lệnh.

Đối với yêu cầu hoàn trả không được sự chấp thuận chuyển trả của khách hàng theo quy định trên thì đơn vị nhận lệnh – Ngân hàng nhận lệnh lập Thông báo từ chối yêu cầu hoàn trả có ghi rõ lý do gửi lại đơn vị khởi tạo lệnh.

Trần Linh (T/h)