Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 51.888 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn vào cơ cấu, phần lớn nguồn thu của VNPT đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ (chiếm tới 73,5%) và doanh thu dịch vụ viễn thông trả trước (chiếm 24,1%). Đây là số tiền thu được và/hoặc sẽ thu được khi thẻ viễn thông trả trước được bán cho người mua. Phần không đáng kể còn lại là doanh thu bán hàng và doanh thu khác.
Do giá vốn tăng, biên lợi nhuận gộp của VNPT điều chỉnh nhẹ từ 28,4% của năm trước xuống 28% trong năm 2022. Doanh nghiệp bưu chính viễn thông lãi gộp 14.552 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của VNPT hầu hết là lãi tiền gửi, tăng 600 tỷ đồng so với năm trước đó. Song chi phí tài chính tăng gần gấp đôi do sự ảnh hưởng của khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 111 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng chỉ nhỉnh nhẹ so với năm 2021.
Sau khi khấu trừ chi phí và thuế, tập đoàn lãi ròng 5.412 tỷ đồng, tăng 6,8%.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của VNPT đạt 102.108 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Đáng chú ý, tập đoàn đang nắm lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng trị giá 54.318 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản, lớn hơn nhiều so với những tập đoàn nổi tiếng nắm lượng tiền lớn như Hòa Phát, PV Gas, ACV, Vingroup hay Sabeco.
Tập đoàn đang có khoản nợ phải trả trị giá 30.533 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả ngắn hạn. Tính đến cuối năm ngoái, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 71.569 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu là 68.754 tỷ đồng. VNPT cũng có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 476 tỷ đồng.
Nghệ Nhân (Tổng hợp)