Bài liên quan |
Phú Thọ: Phát huy tiềm năng hạ tầng số và kinh tế số trong phát triển kinh tế |
Kinh tế số Việt Nam: Động lực phát triển mạnh mẽ hướng tới mục tiêu 30% GDP năm 2030 |
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế. Kinh tế số bao gồm các ngành hỗ trợ kinh tế số (ngành kinh tế số lõi) và các ngành được hỗ trợ bởi ngành kinh tế số (ngành kinh tế được số hóa). Ngành được số hóa là ngành sử dụng sản phẩm kinh tế số lõi làm chi phí đầu vào cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Mỗi ngành sẽ có mức độ sử dụng sản phẩm kinh tế số lõi làm chi phí đầu vào khác nhau nên có tỷ lệ số hóa khác nhau.
Giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế được số hóa còn được gọi là “giá trị số hóa” là giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế khác được tạo ra khi sử dụng sản phẩm của các ngành kinh tế số lõi làm yếu tố đầu vào. Giá trị số hóa được tính cho toàn bộ nền kinh tế và cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2024 lần lượt là 12,66%, 12,87% 12,83%, 12,87% và 13,17%. Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020-2024 đạt khoảng 12,88%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,99% (chiếm 62%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,89% (chiếm 38%). Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2022, 2023 thấp do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm. Tỷ trọng giá trị tăng do các ngành được số hóa có xu hướng tăng dần theo các năm, từ 4,75% của GDP năm 2020 lên 5,01% của GDP năm 2024.
Năm 2024, ước tính tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có dấu hiệu phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Cụ thể, năm 2024 giá trị tăng thêm của các hoạt động kinh tế số ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng tương đương 62,7 tỷ USD chiếm 13,17% trong GDP. Theo giá hiện hành, quy mô kinh tế số của toàn bộ nền kinh tế năm 2024 tăng 14,1 % so với năm 2023. Trong đó các ngành kinh tế số lõi chiếm hơn 62%.
Cụ thể, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm hơn 32% (tăng hơn 16% theo giá hiện hành); các ngành kinh tế số lõi khác như: bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, linh kiện điện tử, viễn thông, xuất bản phần mềm, Viễn thông, Lập trình máy vi tính, cổng thông tin… chiếm khoảng 30% có xu hướng tăng (tăng gần 13% theo giá hiện hành) so với năm 2023.
Trường hợp tiếp cận quy mô kinh tế số từ giá trị sản phẩm, năm 2024 tỷ trọng giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế số so với tổng giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế ước đạt 18,7%; nếu so với GDP của nền kinh tế thì tỷ trọng này lên tới 49,2%. Bình quân giai đoạn 2020 -2024, tỷ trọng giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế số so với tổng giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế ước đạt 19,6%; so với GDP của nền kinh tế thì tỷ trọng này ước đạt hơn 52,3%.
Các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,53% năm 2020 lên 7,15% năm 2024.
Bên cạnh các ngành kinh tế số lõi, một số ngành có giá trị tăng thêm kinh tế số cao như: Thương mại bán buôn, bán lẻ ứng dụng công nghệ số (thương mại điện tử) chiếm khoảng gần 14% trong tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số, theo giá hiện hành tăng khoảng 20% so với năm 2023; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm khoảng 4% và tăng gần 11% so với năm 2024; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; Hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%. Một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung... (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).
“Trên thế giới có nhiều cách tính, có thể tính từ sản phẩm trên sản phẩm tức là lấy sản phẩm được gọi là số so với tổng sản phẩm nói chung trên toàn bộ nền kinh tế; cũng có thể so với VA tức là giá trị tăng thêm của khu vực được gọi là các hoạt động kinh tế số so với tổng nền kinh tế để mà có cái cách nhìn khác nhau Tổng cục Thống kê đang tính toán theo đúng quy định của EU là lấy giá trị tăng thêm của các ngành hay các hoạt động kinh tế số so với tổng GDP (tổng giá trị tăng thêm) của toàn bộ nền kinh tế. Theo đó hiện, con số này đang là 13,13%. Còn cách so sánh khác, có thể một vài bộ ngành so sánh từ doanh thu hay là từ giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế số so với tổng giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế thì con số này hiện nay đang là 18,7%” – Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương thông tin thêm.
Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia. |
Phản hồi câu hỏi của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về diễn biến của kinh tế số năm 2025, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia phân tích: Về xung hướng, các ngành số hóa thường có xung hướng phát triển nhanh hơn và có đóng góp trong tăng trưởng cũng cao hơn. Số hóa của năm 2024, các ngành cũng tăng gần đến 14%.
Đối với hoạt động kinh tế số lõi, có thể thấy với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ công tin trong tất cả các ngành, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công tin thì hoạt động số hóa cũng có xu hướng tăng lên.
Chính sách của Chính phủ đưa đất nước làm chủ công nghệ, cũng như tập trung vào phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cũng sẽ là động lực cho các ngành năm 2025.