Kinh tế Indonesia lần đầu tiên giảm sâu trong hơn 2 thập kỷ

09:00 06/02/2021

Theo số liệu chính thức được công bố ngày 5/2, Covid-19 làm tê liệt hoạt động kinh doanh trên khắp Indonesia, khiến GDP năm 2020 giảm 2%.

Theo dữ liệu công bố hôm nay, GDP năm 2020 của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 2,07% so với năm trước đó. Chi tiêu tiêu dùng, giao thông vận tải và du lịch là 3 lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Đây là sự suy giảm rõ rệt so với năm 2019, khi Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng 5,02%.

Indonesia lần đầu suy giảm kinh tế trong hơn 20 năm
Indonesia lần đầu suy giảm kinh tế trong hơn 20 năm.

Trước đó, dự báo trung bình của 17 nhà kinh tế được Reuters thăm dò là giảm 2%. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng tăng trưởng sẽ giảm từ 1,7% đến 2,2%.

Dù số liệu này cho thấy Indonesia còn khá hơn nhiều so với nước láng giềng Philippines - vốn ghi nhận mức giảm đến 9,5% năm ngoái, đây vẫn là một trong những năm khó khăn nhất mà Indonesia phải trải qua trong lịch sử.

Indonesia là một trong những nước châu Á có tỷ lệ ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất châu Á và chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đã bị chỉ trích về cách ứng phó với Đại dịch COVID-19, trong đó ưu tiên nhiều hơn đến phát triển kinh tế.

Indonesia chưa bao giờ áp đặt một cuộc phong tỏa toàn diện. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế suốt cả năm qua đã ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và hộ gia đình. Số liệu năm ngoái cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 ở mức 7,07% - cao nhất kể từ năm 2011. Từ tháng 2 đến tháng 8, 2,67 triệu người bị mất việc làm.

Tiêu dùng hộ gia đình, chiếm hơn một nửa GDP của Indonesia, giảm 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, GDP quý IV giảm 2,19% so với cùng kỳ 2019, sau khi đã giảm 3,49% trong quý III. Quần đảo này đã trải qua 3 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng sự cải thiện trong quý IV đồng nghĩa nền kinh tế đang hướng tới phục hồi.

Ngân hàng trung ương Indonesia đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do COVID-19, trong khi chính phủ tung ra gói kích thích kinh tế trị giá gần 50 tỷ USD.

Theo người đứng đầu cơ quan thống kế Indonesia, một số chỉ số kinh tế như thương mại đã có dấu hiệu tích cực trong tháng 1/2021. Theo dự báo của chính phủ Indonesia, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021.

Hiện Indonesia cũng là một trong những nước có chương trình tiêm chủng mở rộng nhất thế giới và giới chức nước này cho rằng đây là cơ hội để vượt qua cuộc khủng hoảng của hệ thống y tế công cộng cũng như phục hồi kinh tế. 

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo kinh tế Indonesia đà phục hồi sẽ chậm, ngay cả khi chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh, do dân số nước này đông thứ tư thế giới, với gần 270 triệu người.

Bảo Bảo