Kiến nghị nhanh chóng thu hồi Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn

07:20 13/04/2021

Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng (UBND huyện Ngọc Lặc) cho biết, Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn không triển khai trong thời gian dài gây lãng phí đất sản xuất và bức xúc cho nhân dân.

"Bỏ thì thương vương thì tội"

Được biết, Dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn (Dự án) được triển khai năm 2009 tại xã Thúy Sơn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

Khu đất bỏ hoang vì Dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn đã ngừng thi công hơn 11 năm
Khu đất bỏ hoang vì Dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn đã ngừng thi công hơn 11 năm. (Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN)

Để có mặt bằng triển khai Dự án, đã có đến 206 hộ dân sống tại các thôn Vân Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn, Thanh Sơn thuộc diện phải bị hồi đất ở và đất nông nghiệp, tổng diện tích đất thu hồi gần 40ha.

Thông tin từ UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, Dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn do Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn làm chủ đầu tư có số vốn dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng. Sau lễ động thổ, khởi công, Dự án ngừng hoạt động đến nay được hơn 11 năm.

Đến nay, Dự án vẫn chỉ là những nền đất bỏ hoang. Nhân viên bảo vệ tận dụng khoảng đất trống để nuôi dê, làm chuồng trại chăn thả gia cầm, khai thác diện tích mặt nước thả cá. Dãy tường bao của nhà máy cao hơn 4m đã sụp, đổ tại nhiều vị trí; khu nhà điều hành trong khuôn viên nhà máy tụt mái; dãy nhà ở công nhân, chuyên gia bị cỏ mọc lút.

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn có công suất thiết kế hai triệu tấn/năm được khởi công cuối năm 2007, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2010, từng được kỳ vọng là “điểm sáng” về kinh tế ở cửa ngõ miền tây tỉnh Thanh Hóa. Nhưng đến hết năm 2010, dự án mới hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao, các công trình phục vụ quản lý, thi công, khoan cọc nhồi và xử lý nền móng.

Chi sẻ với báo giới, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Cổ phần xi măng Thanh Sơn Lê Viết Quân cho biết, dự án đã “ngốn” hàng chục tỷ đồng, nhưng gặp khó khăn về giấy phép khai thác mỏ cũng như tài chính bết bát, cho nên từ đầu năm 2011 đến nay, các gói thầu xây lắp bị tê liệt.

Dự án ngừng thi công do thiếu vốn, hiện Công ty đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tăng công suất nhà máy từ 2.500 tấn clinker/ngày lên 6.000 tấn clinker/ngày và được tiếp tục thực hiện Dự án, nhưng việc có được tiếp tục thực hiện hay không còn đang hiện vẫn đang chờ ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đáng nói là nếu Dự án tiếp tục được triển khai sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị huyện Ngọc Lặc. Về giao thông cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì trục đường đi qua nhà máy xi măng Thanh Sơn là trục chính trung tâm của đô thị miền núi, lẽ dĩ nhiên, nếu triển khai nhà máy sẽ có xe tải trọng lớn lưu thông trong khu vực và theo đó, những nguy cơ về ô nhiễm, mất an toàn là điều dễ nhận thấy.

Không chỉ có thế, nếu Dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động thì nguyên liệu sản xuất sẽ được khai thác tại núi Sắt, ngoài ra, bên trong dãy núi này còn có hang Bàn Bù là khu di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tại đây đang xây dựng các điểm du lịch, vì thế khi phá dãy núi làm nguyên liệu sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến văn hóa, tâm linh của người Mường trên địa bàn.

Kiến nghị sớm thu hồi dự án

Đông đảo cư dân sinh sống bên cạnh khu vực xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn đều có chung tâm trạng chán nản, lo lắng. Họ cho biết, ban đầu đều đồng thuận "nhường đất" để triển khai Dự án với niềm tin sẽ "bám vào nhà máy mà sống", công ăn việc làm được giải quyết.

Sau nhiều năm bị bỏ mặc, tường rào Dự án Nhà máy xi-măng Thanh Sơn đang trở thành

Sau nhiều năm bị bỏ mặc, tường rào Dự án Nhà máy xi-măng Thanh Sơn đang trở thành "tấm biển cảnh báo nguy hiểm".

Hơn 200 hộ đã hào hứng nhận đền bù, hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Hơn 200 nam, nữ thanh niên được tuyển cử đi học tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật XM Hải Phòng. Đến nay, xã Thúy Sơn có 150 thanh niên đã tốt nghiệp vẫn chưa nhận được văn bằng, chứng chỉ. Công ty cam kết hỗ trợ học phí, tiền thuê nhà ở cho học viên, trả kinh phí đào tạo cho nhà trường, cuối cùng không thực hiện được nghĩa vụ tài chính nên nhà trường “treo lại” văn bằng, chứng chỉ của học viên. Đất canh tác đã giao gần hết cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy, nên người dân đành hướng ra Thủ đô tìm việc làm tạm bợ.

Đằng đẵng chờ đợi, giờ đây họ đang phải đối diện với những nguy hiểm tiềm tàng do Dự án này mang lại. Giờ đây, cộng đồng cư dân trong khu vực Dự án cùng chung ý kiến không muốn nhà máy xi măng được đầu tư xây dựng tiếp mà muốn nhà máy máy khác vào triển khai để con cháu sau này có thu nhập và đỡ ô nhiễm môi trường.

Được biết, UBND huyện Ngọc Lặc cũng đã chỉ đạo UBND xã Thúy Sơn tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân thuộc 5 thôn quanh khu vực xây dựng nhà máy. Có 717 hộ tham gia đóng góp ý kiến thì có đến 715 hộ không đồng ý cho tiếp tục xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại đây vì gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện Ngọc Lặc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị không xem xét điều chỉnh công suất nhà máy xi măng Thanh Sơn và có hướng xử lý, thu hồi Dự án, đồng thời thu hút đầu tư các dự án khác với công nghệ hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Ngọc Lặc, đối với nhà máy xi măng Thanh Sơn đã không triển khai một thời gian dài, gây lãng phí đất sản xuất trên địa bàn, cũng như gây bức xúc cho nhân dân. Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc kiến nghị tỉnh, các cấp trên nhanh chóng thực hiện thu hồi dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn và kêu gọi đầu tư các dự án phụ hợp với quy hoạch chung đô thị và cảnh quan khu vực này.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ kéo dài của các dự án xi măng - Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho rằng, là do năng lực và nguồn lực của các chủ đầu tư thấp, kể cả về tiềm lực tài chính và trình độ quản lý, không bảo đảm đúng tiến độ theo quy hoạch. Nhiều dự án đặt tại các vị trí không thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu hạn chế, đồng thời thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do cạnh tranh cao hoặc không có thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, về khách quan, nguồn cung xi măng mấy năm qua đã vượt cầu, trong khi các chủ đầu tư các dự án này đều là các nhà đầu tư riêng lẻ, ít kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ xi măng, dẫn đến chi phí quản lý cao, không hiệu quả.

Hiện nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng không khuyến khích đầu tư các dự án xi măng đơn lẻ mà xu hướng sẽ thành lập các tổ hợp XM lớn, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước. Bài học từ các dự án XM như Đồng Bành (Lạng Sơn), Hạ Long, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Sông Thao (Phú Thọ)… do các doanh nghiệp ít kinh nghiệm về kinh doanh xi măng vẫn còn đó và các dự án này đang trong quá trình tái cơ cấu quyết liệt để tồn tại.

Trần Linh