Kiên Giang: Tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

12:43 30/07/2021

Tỉnh Kiên Giang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong 6 tháng cuối năm 2021, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai ở tỉnh Kiên Giang diễn biến bất thường, cực đoan như: Hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, sét, sạt lở,...; nhất là trong thời gian gần đây, trên địa tỉnh liên tiếp bị ảnh hưởng do mưa lớn, lốc, sét làm sập 107 nhà, tốc mái 174 nhà, sét đánh chết 02 người, bị thương 17 người do dông lốc, diện tích 4,23ha cây ăn trái bị thiệt hại, 1.200171 dây điện bị đứt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Kiên Giang
Kiên Giang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương; tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, pano, áp phích…; tổ chức đội truyền thông lưu động, phát tờ rơi, thông báo trên bản tin tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư…; thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Qua đó, nâng lên ý thức của người dân và cộng đồng xã hội, cảnh giác, chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra, không chủ quan, xem nhẹ vấn đề này. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai công tác bảo vệ sản xuất về cây trồng, vật nuôi, thú y; vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây; thực hiện tốt phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống lũ cho sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2021, nhất là ở khu vực tập trung thoát lũ thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, những vùng đê bao xung yếu, chưa đảm bảo; đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Phối hợp các địa phương trong vùng lũ đánh giá khả năng đảm bảo an toàn của các tuyến bờ bao; triển khai sớm việc tu bổ, gia cố bờ bao bảo đảm bảo vệ an toàn cho sản xuất, đề phòng lũ lớn và chủ động huy động nguồn lực đế ứng phó kịp thời. Phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát trỉển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các công trình khắc phục sạt lở đê biển trên địa bàn tỉnh, để đề phòng các đợt triều cường dâng cao, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân. Tổ chức kiếm tra, theo dõi, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ thuộc phạm vi quản lý, nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình đế kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục; đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sửa chữa giai đoạn 2 hồ chứa nước Dương Đông, thành phố Phú Quốc; đồng thời, kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình trong giai đoạn sửa chữa.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện về chính sách cứu trợ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau khi bị thiệt hại do thiên tai, nhất là đối với các hộ thuộc gia đình chính sách, hộ khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra các nhà, xưởng, công trình đang thi công đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra phương án đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa, bão. Hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng công trình, để phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Giới thiệu các mẫu nhà an toàn với bão, cách chằng chống nhà ở, đề phòng thiệt hại do lũ, mưa, bão, áp thấp nhiệt đới.

Sở Giao thông Vận tải cần triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy; khai thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, kiểm soát an toàn giao thông ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc khi có sự cố thiên tai. Phối hợp với lực lượng Công an, các địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhất là đối với các bến phà, đò ngang sông. Kiểm tra việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn và bảo đảm tải trọng cho phép của các tàu, thuyền hoạt động, nhất là hoạt động trên biển. Bố trí lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn theo phương án chung của tỉnh. Dự phòng phương tiện vận tải thủy, bộ, lực lượng đế kịp thời đáp ứng yêu cầu di dời dân cư, cứu trợ khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cơ sở trường, lớp trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho học sinh, sinh viên. Phối hợp các cơ quan, đoàn thể và các địa phương triển khai các điểm giữ trẻ khi có lũ lớn; khảo sát, bố trí các cơ sở trường có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết hợp làm điểm trú, tránh bão, điểm sơ tán, di dời dân khi cần thiết.

Trần Hà