Khôi phục sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp

11:25 26/10/2023

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, các DN đã mua lại 5.653 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 10. Qua đó, các tổ chức phát hành sẽ góp phần khôi phục sự tham gia trở lại của nhà đầu tư và trong đó có cả việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngân hàng là ngành dẫn đầu về giá trị mua lại trái phiếu trước thời hạn

Dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) được tổng hợp từ HNX và SSC tính đến ngày công bố thông tin 20/10/2023 cho thấy, đã có 10 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 8.426 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,3%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm. Trong đó, ngành bất động sản chiếm đa số với 6.076 tỷ đồng trái phiếu phát hành, theo sau là nhóm ngân hàng với 2.150 tỷ đồng. Có thể thấy, những con số này đánh dấu sự sôi động và tăng trưởng trở lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 192,623 tỷ đồng, với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 10.6% tổng giá trị phát hành) và 162 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 172.199 tỷ đồng (chiếm 89,4% tổng số).

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX cho thấy, các doanh nghiệp đã mua lại 5.653 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 10. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 185.183 tỷ đồng (tăng 16.7% so với cùng kỳ năm 2022). Được biết, ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 49% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 90.690 tỷ đồng).

Trong thời gian tới, có 2 lô trái phiếu đã được lên kế hoạch phát hành thuộc về Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Thiên An.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Vinhomes đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ, được chia thành 3 đợt với tổng giá trị phát hành là 5,000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.

Còn Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Thiên An đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần đầu với tổng giá trị phát hành hơn 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm, lãi suất 9.7%/năm. Được biết, chỉ sau một tuần tăng vốn điều lệ lên hơn 800 tỷ đồng, Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Thiên An huy động vốn từ trái phiếu với hơn 1.000 tỷ đồng và đây cũng là lần đầu doanh nghiệp này phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, trong gần 2 tháng còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 74.847 tỷ đồng. Trong đó, 32% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 23.824 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 22.430 tỷ đồng (chiếm 30%).

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings.

Tổ chức phát hành sẽ góp phần khôi phục sự tham gia trở lại của nhà đầu tư

Theo đánh giá của FiinRatings, trong các tháng tiếp theo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, quý IV/2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65,5 nghìn tỷ VNĐ (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, đối với kênh trái phiếu, thị trường do khủng hoảng niềm tin nên hiện tại chưa thể hồi phục nhanh như cổ phiếu. Số lượng doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu thành công vẫn còn khá ít. Do đó, trước bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt để vực dậy thị trường này. Đặc biệt, sau khi Nghị định 08 được ban hành, hoạt động mua lại cũng như đàm phán gia hạn thanh toán trái phiếu diễn ra khá sôi nổi.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, sự hình thành đầy đủ của các yếu tố hạ tầng trên cùng với cơ chế khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh của tổ chức phát hành sẽ góp phần khôi phục sự tham gia trở lại của nhà đầu tư và trong đó có cả việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cũng cho rằng, cần xem xét thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, Việt Nam đang thiếu các định chế tài chính trung gian trong đó có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu. Khác với bảo lãnh phát hành, bảo lãnh tín dụng hay bảo lãnh trái phiếu được hiểu là bảo lãnh thanh toán, tức là bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp rủi ro xảy ra tức là tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết.

Theo ông Thuân, hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số lô trái phiếu bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng thương mại và phần còn lại chủ yếu là bảo lãnh doanh nghiệp được thực hiện bởi công ty trong cùng một tập đoàn đối với tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, một số lô trái phiếu riêng lẻ đã được một số ngân hàng thương mại tốt tham gia bảo lãnh thanh toán và giúp một số quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm dựa vào đó để đầu tư với rủi ro gắn một phần hoặc toàn bộ với tổ chức bảo lãnh đó”, ông nói.

Ông Thuận khẳng định, số lượng trái phiếu được bảo lãnh còn ít và chủ yếu là các trái phiếu được mua bởi các công ty bảo hiểm. Các trái phiếu chào bán ra công chúng hầu như chưa được ngân hàng hoặc một định chế tài chính có tiềm lực tài chính và xếp hạng tín nhiệm cao tham gia bảo lãnh thanh toán.

Nhân Hà