Thứ năm 19/09/2024 11:25
Hotline: 024.355.63.010
Tài chính

Khoảng trống tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 24 tỷ USD

25/07/2024 17:07
Khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được đáp ứng, tương đương với khoảng trống tài chính khoảng 24 tỷ USD, theo ông Nguyễn Hữu Hiệu - TGĐ Công ty CP FiinGroup Việt Nam.
aa

Ngày 24/7, FiinGroup phối hợp cùng IFC và Công ty S&P Market Intelligence, Singapore, tổ chức hội thảo "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam".

Tỷ trọng cho vay còn thấp

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc FiinGroup

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp SME đang có một khoảng trống nhu cầu tài chính lên tới 24 tỷ USD chưa được đáp ứng. Đó là một con số lớn, nếu được đáp ứng một phần trong số đó sẽ tạo hiệu ứng tốt cho doanh nghiệp SME, thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội.

Theo FiinGroup, khoảng trống tài chính của doanh nghiệp SME Việt Nam hiện gấp 2,11 lần mức cho vay với khối này, trong khi tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc Điều hành khối Thông tin doanh nghiệp FiinGroup cho biết, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam hiện chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp này đạt khoảng 20% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. So với GDP, doanh thu của doanh nghiệp SME tương đương 70% GDP Việt Nam.

Ảnh minh họa
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm

"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phân bố ở khắp các vùng thành thị và nông thôn, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào hoạt động bán buôn và bán lẻ. Đây được xem là một ngành kinh doanh quan trọng, đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất, đại lý và người tiêu dùng", ông Tú cho hay.

Mặc dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, song theo chuyên gia của FiinGroup, các doanh nghiệp SME đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

"Thứ nhất là tiếp cận tài chính. Thứ hai, khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới, sau Covid-19 việc trực tiếp gặp khách và thúc đẩy thương mại truyền thống không còn hiệu quả. Thứ ba, thiếu công cụ quản trị rủi ro. Thứ tư là môi trường kinh doanh, chính sách", ông Nguyễn Minh Tú cho hay.

Về khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, số liệu của FiinGroup cho thấy, khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được đáp ứng, tương đương với khoảng trống tài chính khoảng 24 tỷ USD. Khoảng trống về tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam gấp khoảng 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại. Trong khi con số này tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp SME chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước, nhưng khả năng vay vốn còn rất thấp. Tổng nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp SME chỉ chiếm hơn 9% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước, nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90%.

Vì sao doanh nghiệp SME khó tiếp cận tín dụng?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp SME khó tiếp cận tín dụng là do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp, và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các doanh nghiệp này.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ quản lý chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam và Campuchia, IFC cho rằng, các doanh nghiệp SME gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Từ phía chủ quan của doanh nghiệp, SMEs thường kém minh bạch thông tin tài chính, quản trị, chưa đáp ứng các chuẩn mực tài chính, thông lệ thương mại ngành…

Tuy nhiên, từ phía khách quan, thị trường tài chính tại Việt Nam lại đang thiếu trầm trọng các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cùng đó, văn hoá cho vay ở Việt Nam là chủ yếu dựa trên thế chấp bất động sản mà chưa chú trọng cho vay dựa trên động sản như khoản phải thu, hàng tồn kho, giấy tờ sở hữu và giấy tờ thương mại…

Bà Huyền cho rằng, cần đa dạng hoá các sản phẩm tài chính cho doanh nghiệp SME. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dữ liệu cho thẩm định khách hàng. Khi có dữ liệu đầy đủ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong giải quyết nhu cầu tài chính. Dữ liệu và phân tích dữ liệu là yếu tố không thể thiếu trong tài chính số.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các SME, bà Phạm Thị Thanh Huyền đề xuất, cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Trong đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm cho vay đề phù hợp với bản chất kinh doanh của doanh nghiệp trong đó thay đổi văn hóa cho vay để dần thoát khỏi việc chỉ tập trung vào cho vay dựa trên bất động sản.

Bà Huyền nhấn mạnh, phát triển các sản phẩm cho vay có cần có tính đổi mới, ví dụ tài trợ vốn có bảo đảm là động sản, tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh, tài trợ chuỗi cung ứng, bao thanh toán, tài trợ bền vững như tài trợ xanh/chống biến đổi khí hậu.

"Cần đa dạng hóa các tổ chức tài chính, bên cạnh các tổ chức tài chính ngân hàng cần phát triển thêm các tổ chức tài chính phi ngân hàng (hay còn gọi là các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi), bao gồm các công ty tài chính thương mại, các công ty bao thanh toán, các công ty cho thuê tài chính”, bà Huyền đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp, phụ trách Mô hình rủi ro và phân tích dữ liệu, Fiin Group, nhấn mạnh, với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, doanh nghiệp SME sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp SME sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính như: thiếu minh bạch thông tin; các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, là các khó khăn liên quan đến khả năng cung cấp tài sản thế chấp; năng lực chấm điểm tín dụng và quản lý rủi ro; dữ liệu; sản phẩm và quy trình tín dụng…

Tuy nhiên, theo ông Nam, doanh nghiệp SME cũng tiếp cận được nhiều cơ hội từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ của tín dụng xanh và phát triển bền vững… Từ những cơ sở này, các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay đối với các doanh nghiệp SME dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao.

Dưới góc nhìn tích cực, các chuyên gia cho rằng việc có một khoảng trống tài chính lớn cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của SMEs và thúc đẩy chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ cho SMEs nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn.

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam

Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam, cho hay Liên hiệp bao gồm rất nhiều thành viên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn do năng lực về kiểm toán, báo cáo tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu.

Vì vậy, bà Đào cho rằng việc minh bạch thông tin là rất quan trọng như về báo cáo tài chính, hoạt động của doanh nghiệp để các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế tiếp cận được thông tin đó, đánh giá chính xác nhất về doanh nghiệp để cho vay một cách nhanh nhất.

Đối với ngân hàng, ngoài các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong nước và quốc tế cũng cần quan tâm sâu sắc hơn với doanh nghiệp SME, cũng như đánh giá khách quan hơn, có các gói tín dụng đáp ứng nhu cầu, kể cả những gói tín dụng rất nhỏ của doanh nghiệp SME và các HTX, từ đó doanh nghiệp, HTX mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng và tổ chức này.

Kết quả phân tích dữ liệu từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam và báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng và ngân hàng Việt Nam của FiinGroup cho thấy tổng dư nợ tín dụng SMEs của nhóm công ty tài chính phi ngân hàng đạt 74,03 nghìn tỷ đồng, trong khi đó nhóm ngân hàng ghi nhận ở mức trên 2,739 triệu tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, nhóm tổ chức tài chính phi ngân hàng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng đạt 26,8% vào năm 2023.

Ảnh minh họa
Ông Jimmy Nguyễn, Phó giám đốc, chuyên gia sản phẩm tín dụng (ASEAN) S&P Global Market Inteligence

Ông Jimmy Nguyễn, Phó giám đốc, chuyên gia sản phẩm tín dụng (ASEAN) S&P Global Market Inteligence, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể đạt 5,8%, cao hơn năm 2023, nhưng tỷ lệ tăng tín dụng lại quá nóng với mục tiêu là 15% - đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia chỉ khoảng 6%... Do đó, khi cung cấp thêm tín dụng thì phải có sự quản lý hợp lý, nếu không sẽ rủi ro cho cả hệ thống.

“Đối với việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp SME, rủi ro là có, nhưng không có nghĩa là không cho vay mà cần kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả. Chẳng hạn như ngoài đánh giá rủi ro của doanh nghiệp, cần đánh giá rủi ro về ngành, bao gồm: lợi nhuận, lỗ lãi, số lượng hợp đồng, doanh thu… Và để làm được điều này, ngân hàng cần có dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá rủi ro”, ông Jimmy Nguyễn nói.

An Thảo

Bài liên quan
Tin bài khác
Kỹ năng quản lý tài chính giúp giới trẻ tránh được "bẫy nợ" từ thẻ tín dụng

Kỹ năng quản lý tài chính giúp giới trẻ tránh được "bẫy nợ" từ thẻ tín dụng

Tình trạng nợ nần từ thẻ tín dụng đang trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến đối với giới trẻ. Sử dụng thẻ tín dụng một cách không thông minh và thiếu kiến thức quản lý tài chính dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng trong tài chính cá nhân.
Tại sao giáo dục tài chính không chỉ là điểm bài kiểm tra

Tại sao giáo dục tài chính không chỉ là điểm bài kiểm tra

Caveat emptor trong tiếng Latin có nghĩa là “hãy để người mua cẩn thận” - một cụm từ có ý nghĩa đặc biệt khi đăng ký cho con bạn tham gia một chương trình giáo dục tài chính.
Bài học lịch sử từ ba thế hệ khủng hoảng tiền tệ

Bài học lịch sử từ ba thế hệ khủng hoảng tiền tệ

Hậu quả của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến các nước đang phát triển rơi vào tình trạng căng thẳng đáng kể.
Quy định về quyền riêng tư, cho vay fintech và tài chính toàn diện

Quy định về quyền riêng tư, cho vay fintech và tài chính toàn diện

Trong khi người tiêu dùng coi trọng quyền riêng tư và khả năng bảo vệ họ khỏi việc lạm dụng dữ liệu tiềm ẩn, thì các công ty công nghệ tài chính thường dựa vào dữ liệu cá nhân để đổi mới và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới.
Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất nửa đầu năm

Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất nửa đầu năm

Theo danh sách, Chứng khoán VPS chiếm 25,77% thị phần, tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng. Tiếp theo sau là Chứng khoán VNDirect chiếm 9,26% thị phần.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son