Thứ bảy 12/07/2025 23:44
Hotline: 024.355.63.010
Kinh doanh

Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn - Cần giảm lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp

12/05/2023 16:40
Các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn đang rất khó khăn, một số doanh nghiệp phải bán tài sản. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn

Các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất vay trên 10% như hiện nay là quá cao, doanh nghiệp không chịu nổi và liên tục đề xuất giảm lãi suất cho vay ở khoảng 7-8% và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Kéo lãi suất vay xuống là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay.

Bên lề cuộc họp báo về Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) 2023 chiều 11-5, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, TP HCM vừa công bố chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương). Theo đó, có đến 50% DN trên địa bàn TP HCM đang gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh cầm chừng. Thậm chí, một số DN đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước. Không chỉ ở TP HCM, “sức khỏe” của nhiều DN, thậm chí DN lớn trên cả nước cũng đang có vấn đề, không chỉ hiện tại mà trong tương lai gần cũng chưa có tín hiệu tích cực.

Ngày 11-5, tại TP HCM diễn ra Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: TTXVN
Ngày 11-5, tại TP HCM diễn ra Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: TTXVN.

Từ đầu năm 2023 nhiều doanh nghiệp đã suy thoái

Ngày 10-5, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh lãnh đạo Công ty TNHH Say Fashion Việt Nam (phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) thông báo phải ngưng hoạt động trước mặt các công nhân lao động.

Đoạn clip sau khi lan truyền trên mạng, nhiều người bày tỏ sự cảm thông cho công nhân trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong video, công nhân lặng người nghe lãnh đạo công ty nói: “Công ty TNHH Say Fashion Việt Nam thông báo, do tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, công ty không có đơn hàng trong một thời gian dài. Công ty không có khả năng duy trì kinh phí để tiếp tục hoạt động. Vì vậy, Ban Giám đốc công ty thông báo tới tất cả anh chị em công nhân, công ty sẽ ngừng hoạt động toàn bộ từ ngày 20-6-2023". Ngay sau đó Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã xuống công ty nắm thông tin sự việc để giải quyết các chế độ và giới thiệu việc làm mới cho 190 lao động của công ty này.

Hình ảnh tương tự xảy ra ở nhiều địa phương. Ngày 3-4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, từ tháng 4-2023, Công ty TNHH TKG Taekwang MTC Việt Nam (chuyên gia công giày da, đóng tại Khu công nghiệp Loteco, TP Biên Hòa) cho gần 800 công nhân nghỉ việc.

Những hình ảnh như vậy cho thấy bức tranh kinh tế nước ta không chỉ kém màu trong quý I/2023 mà có thể còn diễn ra trong những quý tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý IV/2022 cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các DN, sang quý I/2023, con số này tăng lên, với số lượng là gần 149.000 lao động bị mất việc. 55,2% lao động bị nghỉ việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32.60032 người), Bình Dương (21.700 người), TP HCM (19.800 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (7.700 người)… lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Cụ thể, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường là 60.241 DN - cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường với 56.946 DN.

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Thực tế từ đầu năm 2023, nhiều DN đã rơi vào xu hướng suy thoái. Tại cuộc gặp với lãnh đạo UBND TP HCM từ giữa tháng 2-2023, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, đã cảnh báo, từ đầu năm 2023, hầu hết các DN ngành chế biến lương thực - thực phẩm dù vẫn duy trì tốt sản xuất nhưng biên lợi nhuận "cực kỳ thấp". Nguyên nhân là do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào đều tăng. Với lãi suất cho vay trên 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi.

Doanh nghiệp phải bán tài sản

Ngày 9-5, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn hiện đang gặp nhiều khó khăn, một số DN đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán và bán bằng 50% giá thực.

Tình trạng này thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, buộc các quý sau phải tăng trưởng quanh 8%.

Về khó khăn của các DN, theo Bộ trưởng Dũng, có rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là dòng tiền. Hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên các DN đang rất khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến hiện tượng “né tránh, đá bóng”. Ông Dũng nêu ví dụ như ở TP HCM, giai đoạn 2018-2021, TP HCM cấp trung bình khoảng 70 dự án bất động sản, nhưng trong 2 năm qua, TP HCM chỉ cấp có 8 dự án, còn lại hầu như "đứng bóng". “Đây là vấn đề lớn nhất, cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm", Bộ trưởng Dũng cảnh báo: Các thủ tục đầu tư hiện nay không làm, hoặc mất 2 năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất một năm, DN không làm gì được”.

Cũng trong thời điểm này, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đã thực hiện khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và đã báo cáo với UBND TP HCM. Các khó khăn chủ yếu là thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)…

Qua khảo sát này cho thấy, việc tiếp cận nguồn vốn đang là khó khăn nhất của các DN. Lãi suất cho vay cao, hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn rất lớn cho các DN (thực tế nhiều DN phải vay với lãi suất cao hơn 10%). Nhiều DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%.

HUBA cho rằng, NHNN cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỉ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

Ngoài ra, HUBA cũng kiến nghị các chính sách gia hạn nợ vay, chính sách về trái phiếu, thuế, chính sách kích cầu đầu tư, cải cách hành chính… để hỗ trợ các DN.

Cần giảm lãi suất cho vay

Trước tình hình các DN khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, các chuyên gia đề xuất ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để DN có cơ hội sáng tạo, phục hồi, tồn tại. Mức lãi suất cho vay nên giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng, ngang bằng hoặc cao hơn lạm phát một ít.

Hiện lãi suất cho vay của DN từ 10% trở lên đang ăn mòn vào vốn. Nếu ngân hàng không hạ lãi suất, các DN chỉ đưa ra chiến lược để tồn tại, chứ không dám nghĩ đến lợi nhuận, vì biên lợi nhuận hiện chỉ 15-20% chưa trừ chi phí vận hành. Lợi nhuận làm ra của đa số DN chỉ đủ trả lãi suất vay, làm sao phát triển.

Do đó nhiều DN kiến nghị lãi suất cho vay ngắn hạn nên còn khoảng 7-8%/năm, vay dài hạn còn khoảng 10%/năm là hợp lý.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN vùng Đông Nam Bộ ở TP HCM ngày 11-5, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM thừa nhân đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN thời gian qua nhưng chỉ mới dễ thở hơn, chứ chưa dám nói phục hồi hay phát triển.

Bà Chi cho rằng, dù NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay cũng đã hạ nhiệt nhưng chưa nhiều, xoay quanh mức 10%/năm. Với mức lãi suất cao như vậy, theo bà Chi: “DN khó lòng tái sản xuất để phục hồi. Kéo lãi suất vay xuống là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của DN".

Lãi suất vay cao nhưng thực tế xin vay cũng không phải dễ. Với tình hình nhiều DN khó khăn như hiện nay, cần có chính sách linh hoạt chứ nếu vẫn giữ các điều kiện như cũ, DN rất khó tiếp cận vốn. Thậm chí hiện tượng các ngân hàng ép phải mua bảo hiểm mới được vay vốn vẫn tiếp diễn. Ngay cả gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn vốn 40.000 tỷ đồng qua các ngân hàng thương mại cho các DN giải ngân rất khó khăn, đến nay chỉ mới được 250 tỷ đồng.

Cũng tại hội nghị này, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự báo, kinh tế TP HCM tiếp tục đối mặt khó khăn thách thức, DN thành lập mới gặp khó khăn, đầu tư gặp khó khăn trong và ngoài nước. "Các DN đều mong muốn lãi suất giảm xuống còn 7 - 8%/năm và mong có các giải pháp về vốn, tín dụng, kéo dài chính sách hỗ trợ DN trong việc giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn", ông Mãi phát biểu.

Đồng tình với ý kiến của ông Phan Văn Mãi, bà Lý Kim Chi mong muốn NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay. "Chúng tôi liên tục nghe tin ngân hàng báo lãi lớn trong khi các DN quá khó khăn", bà Chi nói. Bà Chi kỳ vọng các ngân hàng tiết giảm chi phí để san sẻ bớt gánh nặng với khách hàng và muốn NHNN giảm thêm lãi suất điều hành trong tháng này, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, tiếp tục giãn và hoãn thuế cho DN; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở hơn.

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận lãi suất chưa được như mong muốn

Cũng tại hội nghị này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận lãi suất chưa được như mong muốn của người đi vay và kỳ vọng DN thấu hiểu hơn với ngành ngân hàng. Bà Hồng bày tỏ, NHNN rất mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ DN và người dân, rất mong muốn giảm lãi suất và trên thực tế lãi suất đã giảm, dù chưa được như mong muốn.

"Chúng tôi rất muốn giảm lãi suất nhưng giảm mức độ như thế nào còn tuỳ thuộc vào cân đối vĩ mô", Thống đốc nói. Có ý kiến cho rằng, lạm phát đã giảm nên chúng ta có thể mở rộng chính sách tiền tệ, nhưng điều hành chính sách tiền tệ phải nhìn về phía trước. Mục tiêu lạm phát của Việt Nam là 4,5% trong khi lạm phát cơ bản hiện gần 5%.

"Chúng tôi vừa phải giảm lãi suất, vừa phải mở rộng tín dụng, vừa phải ổn định tỷ giá, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Mục tiêu nào cũng quan trọng", bà Hồng chia sẻ và nhấn mạnh giảm lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, mà có nhiều mục tiêu khác phải cân đối.

Về ngân hàng thương mại, bà Hồng cho rằng, ngân hàng có tình hình tài chính tốt có thể giảm lãi suất, nhưng những ngân hàng có tài chính không tốt sẽ khó khăn hơn trong việc điều chỉnh lãi suất.

Ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được khi khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Đây cũng là một trong các lý do khiến một số ngân hàng neo lãi suất cho vay dài hạn ở mức cao, để bù đắp rủi ro.

Lưu Vĩnh Hy

Bài liên quan
Tin bài khác
“Xanh hóa”: Con đường sống còn giúp doanh nghiệp tạo sức bật trong chuỗi biến động

“Xanh hóa”: Con đường sống còn giúp doanh nghiệp tạo sức bật trong chuỗi biến động

Chia sẻ tại “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025”, chiều ngày 11/7, tại Hà Nội, nhiều ý kiến bày tỏ: “Xanh hóa” trở thành con đường sống còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và tạo sức bật trong chuỗi biến động. Phát triển logistics xanh sẽ là lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu.
Logistics xanh: Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025

Logistics xanh: Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025

Chiều ngày 11/7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025”.
Những trường hợp nào bị từ chối đăng ký hộ kinh doanh?

Những trường hợp nào bị từ chối đăng ký hộ kinh doanh?

Theo Nghị định 168/2025/NĐ-CP, hộ kinh doanh có thể bị từ chối cấp phép nếu vi phạm hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Hàng giả bủa vây, hàng thật “chịu trận”: Doanh nghiệp kêu gọi luật sòng phẳng và hành động từ tâm

Hàng giả bủa vây, hàng thật “chịu trận”: Doanh nghiệp kêu gọi luật sòng phẳng và hành động từ tâm

Hàng giả, hàng nhái và thông tin bịa đặt không chỉ làm tổn hại doanh thu mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính vào thế gồng gánh hậu quả thay cho những hành vi ngoài tầm kiểm soát.
Ngành Thuế giảm gần 97.000 tỷ đồng thuế: Tín hiệu chính sách tiếp sức doanh nghiệp vượt khó

Ngành Thuế giảm gần 97.000 tỷ đồng thuế: Tín hiệu chính sách tiếp sức doanh nghiệp vượt khó

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Thuế đã triển khai hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế với tổng số tiền lên tới gần 97.000 tỷ đồng. Đây không chỉ là những con số hỗ trợ tài khóa, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Samsung mất một nửa lợi nhuận quý II/2025 vì khủng hoảng chip AI

Samsung mất một nửa lợi nhuận quý II/2025 vì khủng hoảng chip AI

Samsung lần đầu ghi nhận lợi nhuận sụt giảm kể từ năm 2023, do bị đối thủ SK Hynix vượt mặt trong mảng chip AI và ảnh hưởng từ các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc của Mỹ.
Dòng tiền đổi hướng, fintech Đông Nam Á bước vào “giai đoạn chọn lọc”

Dòng tiền đổi hướng, fintech Đông Nam Á bước vào “giai đoạn chọn lọc”

Theo báo cáo mới nhất từ Tracxn, trong 6 tháng đầu năm 2025, các startup fintech Đông Nam Á huy động được tổng cộng 776 triệu USD, tăng 31% so với nửa cuối năm 2024 nhưng vẫn giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng tốc chuyển đổi số: “Lá chắn” mới chống hàng giả, gian lận thương mại

Tăng tốc chuyển đổi số: “Lá chắn” mới chống hàng giả, gian lận thương mại

Ứng dụng AI, dữ liệu lớn và tăng cường liên ngành là giải pháp then chốt giúp ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại trong môi trường số đang bùng nổ.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mùa du lịch: Mạo danh doanh nghiệp lữ hành, chiếm đoạt tiền triệu mỗi ngày

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mùa du lịch: Mạo danh doanh nghiệp lữ hành, chiếm đoạt tiền triệu mỗi ngày

Mùa du lịch Hè 2025 đang bước vào cao điểm cũng là lúc các chiêu trò lừa đảo “tăng nhiệt”. Nhiều du khách mất tiền oan vì tin vào các tài khoản mạo danh doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… được “gắn mác” chính thống. Bộ Công an đã phát đi cảnh báo khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng đáng lo ngại này.
Nhà đầu tư cá nhân Mỹ thắng lớn nhờ chiến lược “bắt đáy”

Nhà đầu tư cá nhân Mỹ thắng lớn nhờ chiến lược “bắt đáy”

Chiến lược “mua khi giá giảm” đã giúp nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ thu lãi cao nhất kể từ đầu đại dịch, đóng vai trò trung tâm trong đà tăng kỷ lục của Phố Wall năm 2025.
Thị trường chứng khoán vào “khoảnh khắc thú vị nhất”: SHS gọi tên 5 nhóm ngành triển vọng

Thị trường chứng khoán vào “khoảnh khắc thú vị nhất”: SHS gọi tên 5 nhóm ngành triển vọng

Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025 vừa công bố, Công ty Chứng khoán SHS nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào một “khoảnh khắc thú vị” – giai đoạn mà tâm lý nhà đầu tư dao động giữa kỳ vọng tăng trưởng và sự thận trọng với các rủi ro vĩ mô.
Hà Nội tiên phong lập Quỹ đầu tư mạo hiểm - vốn mồi cho công nghệ cao

Hà Nội tiên phong lập Quỹ đầu tư mạo hiểm - vốn mồi cho công nghệ cao

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Hà Nội đang xúc tiến thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm với nguồn vốn ban đầu từ ngân sách thành phố.
Lãi suất chạm đáy đâu là kênh đầu tư khôn ngoan nhất hiện nay?

Lãi suất chạm đáy đâu là kênh đầu tư khôn ngoan nhất hiện nay?

Lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Bất động sản, chứng khoán và vàng được xem là lựa chọn tốt nhất?
DIC Corp chuyển nhượng Lam Hạ Center Point, thu về nghìn tỷ

DIC Corp chuyển nhượng Lam Hạ Center Point, thu về nghìn tỷ

DIC Corp được chấp thuận chuyển nhượng dự án Lam Hạ Center Point, dự kiến thu hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là bước đi chiến lược giúp tập đoàn tái cơ cấu tài chính.
Gần 37 triệu lượt xe động lực khiến VEC tăng tốc mở rộng cao tốc?

Gần 37 triệu lượt xe động lực khiến VEC tăng tốc mở rộng cao tốc?

Trong 6 tháng đầu 2025, các tuyến cao tốc VEC phục vụ gần 37 triệu lượt xe, tăng 9,43%. Mở rộng quy mô, khởi công dự án mới, hướng đến hệ thống giao thông hiện đại.