Khó có 'sóng' chứng khoán từ kết quả kinh doanh quý III?

00:00 12/10/2020

Dựa vào việc GDP quý III ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III có thể vẫn ghi nhận những con số khả quan nhưng khó gây được bất ngờ lớn.

Đến hẹn lại lên, tháng 10 là thời điểm mà các doanh nghiệp “rục rịch” công bố kết quả kinh doanh của quý III và 9 tháng đầu năm. Nhìn vào các con số của kỳ báo cáo này, các nhà đầu tư đã phần nào thấy được thành quả của cả năm.

Đối với năm 2020, những con số trên báo cáo tài chính không đơn giản chỉ là doanh thu và lợi nhuận, mà còn phản ánh khó khăn hoặc ghi nhận sự nỗ lực vượt lên.

Bức tranh kinh doanh dần hé lộ

Mới đây, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) đã có thông báo sơ bộ về kết quả kinh doanh hợp nhất quý III. Theo đó, tổng doanh thu dự kiến là 15.561 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ quý III/2019; lợi nhuận sau thuế tăng 16% đạt 3.106 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Vinamilk ước doanh thu tăng 7,4% lên mức 45.277 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 8.967 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lãi 10.690 tỷ đồng năm 2020, công ty đã hoàn thành gần 84%.

Anh-chung-khoan-6706-1601891405.jpg

Việc các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III được dự báo là sẽ không tạo ra sự hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán.

Cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III, trong buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây, Tổng giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) Bùi Minh Tiến cho biết, nhờ thực hiện kế hoạch tiết giảm và tối ưu hóa chi phí đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 2.500 tỷ đồng.

Do vậy mà riêng trong quý III/2020, mặc dù nhà máy ngừng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng tổng thể gần 2 tháng nhưng Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn có lợi nhuận, chấm dứt giai đoạn thua lỗ của 2 quý đầu năm.

Tương tự, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã: PVT) ước doanh thu 9 tháng đạt 5.345 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 565 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ nhưng vượt 3% kế hoạch năm.

Trong khi đó, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDriliing, mã: PVD) ước tính doanh thu 9 tháng đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ước đạt 100 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Nhóm doanh nghiệp dầu khí có vẻ như đang “chiếm sóng”, khi một doanh nghiệp lớn nữa vừa tiết lộ kinh doanh quý III cũng thuộc nhóm này là Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã: PET).

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, Petrosetco ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 8.640 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế ước 125,3 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch năm và giảm 15% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, CTCP Fecon (HoSE: FCN) ước tính doanh thu quý III đạt 1.000 tỷ đồng, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 42%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần ước đạt 2.190 tỷ đồng, tăng 21%, nhưng lợi nhuận giảm 60%, chỉ đạt 86 tỷ đồng.

Không có hỗ trợ lớn

Các doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Kido (mã: KDC), Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Idico (mã: UIC), CTCP Đông Hải Bến Tre (mã: DHC), CTCP FPT (mã: FPT), CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG)... cũng đều hé lộ những con số kinh doanh của quý III và 9 tháng đầu năm với những gam màu tươi sáng.

Dù lợi nhuận của một vài doanh nghiệp ghi nhận mức giảm, nhưng biên độ đã được thu hẹp, khó khăn đã và đang dần được khắc phục. Thực tế, dịch Covid-19 như một cơn bão ập tới, không hẹn trước và chưa từng có tiền lệ, mang đến những điều không bình thường gây "sốc" cho các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Tuy mùa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm nay có khác lạ, nhưng nhìn vào những con số đã được hé lộ có thể thấy vẫn có sự tăng trưởng nhưng không hề gây bất ngờ. Lý do là bởi, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp công bố báo cáo sớm luôn mang đến tin vui cho các nhà đầu tư, hầu hết tập trung tại những đơn vị có tiềm lực.

Hơn nữa, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2020, chỉ số Vn-Index đã tăng 2,67% so với tháng trước, lên 905,21 điểm, nhờ thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, mức tăng của tháng 9 chỉ bằng 1/4 của tháng 8, cho thấy đà tăng yếu hơn và vùng giá giao dịch ngày càng thu hẹp, mặc dù Vn-Index đã vượt qua mức đỉnh trong tháng 6 là 900 điểm.

Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 10, KIS cho rằng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III có thể không hỗ trợ nhiều, bởi mức tăng của Vn-Index trong thời gian qua đã phản ánh sự phục hồi của kết quả kinh doanh doanh nghiệp. Trong khi đó, trong giai đoạn này cũng không kỳ vọng sẽ có chính sách quan trọng nào được ban hành có thể hỗ trợ được cho thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, việc kết quả kinh doanh quý III sẽ được cải thiện hơn so với 2 quý đầu năm đã được các chuyên gia dự báo ngay từ khi các nhà đầu tư khá bình tĩnh đón nhận những thông tin về làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 xuất hiện ở trong nước.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp lớn luôn khả quan, trong khi nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động tiêu cực hơn từ dịch bệnh. Đây là điều mà tất cả các nhà đầu tư đều có thể đoán trước được, do đó có thể kết quả kinh doanh quý III sẽ không tác động nhiều đến thị trường.

Minh Khuê