Diện tích tự nhiên 5.199,6 km2, dân số hơn 1,2 triệu người với 36 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện Trường Sa là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; có mũi Đôi – Hòn Đầu là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng.
Khánh Hòa hiện có 17 di tích xếp hạng quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 01 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia là Bộ sưu tập Đàn đá Khánh Sơn. Nhiều công trình di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư trùng tu nâng cấp như: Văn miếu Diên Khánh, Thành cổ Diên Khánh, Tháp bà Ponagar Nha Trang, Địa điểm lưu niệm tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển)…
Ngày 30/8, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Trung ương Đảng – khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa luôn quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu của Đảng về văn hóa, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế gắn với xây dựng, phát triển văn hóa, con người vùng đất “Xứ trầm, biển yến”...
Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý đặc thù của núi - rừng - biển - đảo, Khánh Hòa có những lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Kỳ an tại các đình làng Khánh Hòa diễn ra vào mùa Xuân hàng năm; lễ giỗ Tổ Yến sào gắn với nghề khai thác Yến sào từ hàng trăm năm nay gắn với huyền thoại nữ tướng Lê Thị Huyền Trâm – vị Đô đốc thủy binh của phong trào Tây Sơn; Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân vùng biển Khánh Hòa gắn với tục thờ Thần Nam Hải (Cá Voi) với các kiến trúc Lăng Ông, Lăng Cô, hay Đình - Lăng kết hợp trải dài khắp các làng chài dọc bờ biển của Khánh Hòa. Trong số đó, đã có 03 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Lễ bỏ mả của người Raglai, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa.
Trong thời gian qua, Khánh Hòa đã diễn ra các sự kiện, dịch vụ văn hóa mới như Lễ hội Ánh sáng Vịnh quốc tế Nha Trang 2024, Chương trình Trăng soi Tháp cổ và Linh thiêng xứ Trầm. Tuy nhiên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân cũng như yêu cầu ngày càng cao của việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, gắn với phát triển kinh tế, du lịch đòi hỏi nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, cần có nhiều sự kiện, dịch vụ văn hóa độc đáo, bản sắc và đổi mới công tác truyền thông, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, để những giá trị văn hóa, kể cả văn hóa truyền thống được lan tỏa, gắn liền với cuộc sống đương đại,
Khánh Hòa còn có các làng nghề thủ công truyền thống như Đúc đồng, làm gốm Lư cấm, dệt thổ cẩm, đan lát, dệt chiếu cói, làm bánh tráng, sản xuất nước mắm... Đây còn là địa phương có nhiều món ăn đặc sắc gắn với đời sống người dân vùng biển, những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đang ngày càng được nhiều du khách biết tới như Nem Ninh Hòa, Bánh ướt Diên Khánh, Tôm hùm Bình Ba, gỏi cá mai, bánh căn, bún chả cá, bún mực…các món ăn, nước uống được chế biến từ Yến sào, Rong nho... Nhờ phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, giữ vững thương hiệu điểm đến từ thế mạnh biển, đảo và các sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa của vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ, lượng du khách đến Khánh Hòa tăng trưởng ổn định, các chỉ tiêu về du lịch không ngừng tăng lên.
Nhiều tham luận tại hội nghị đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu như “Giải pháp triển khai hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn Khánh Hòa” của PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; “Xây dựng chính sách đột phá nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa trong Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa” của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội; “Đổi mới mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp trên lĩnh vực văn hóa – kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố phía Nam và những gợi ý nâng tầm các sự kiện văn hóa tại Nha Trang – Khánh Hòa” của TS Trịnh Đăng Khoa, TS Nguyễn Hồ Phong - Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh. Tham luận có đoạn: “Tỉnh cần nghiên cứu và xây dựng Đề án tổ chức lễ hội và sự kiện. được tổ chức định kỳ hàng năm, hoặc theo chu kỳ 02 năm 01 lần. bao gồm cả những lễ hội truyền thống và những sự kiện, lễ hội đương đại. Đặc biệt lưu tâm đến những sự kiện có khả năng kích cầu du lịch để tạo động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế khác. Nâng cao năng lực tổ chức sự kiện, lễ hội của các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa cần được hiểu ở cả khía cạnh năng lực sáng tạo nghệ thuật, năng lực quản lý, quản trị sự kiện; năng lực huy động các nguồn lực cho sự kiện; năng lực xử lý các tình huống trong sự kiện. Xây dựng được mạng lưới đối tác trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sự kiện, lễ hội đương đại để tạo nguồn lực tổng thể đặc biệt là nguồn lực con người và tài chính. Đối với nguồn nhân lực, cần thu hút được những người trẻ, được đào tạo những ngành nghề về sáng tạo nghệ thuật, sự kiện, lễ hội ở nước ngoài để tạo nên những “làn gió mới”, trẻ trung, hiện đại Khai thác triệt để và hiệu quả yếu tố công nghệ hiện đại trong nhiều khâu tổ chức sự kiện, lễ hội như drone, công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), internet kết nối vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI) những công nghệ này là yếu tố đặc biệt quan trọng để có thể tạo ra những sự khác biệt độc đáo cho sự kiện, lễ hội; là chất xúc tác để hình thành những hiệu ứng cảm xúc mới lạ của người tham gia sự kiện.
Về giải pháp thực hiện chính sách đột phá để phát triển văn hóa ở tỉnh Khánh Hòa, lợi thế là đã có Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực văn hóa cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây là những căn cứ rất quan trọng để xác định các kế hoạch cụ thể cho phát triển văn hóa ở tỉnh
Việc thực hiện thành công các giải pháp đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 09-NQ/TW góp phần tạo dựng một nền văn hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng được các yêu cầu của phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, để đưa những quan điểm và chủ trương của Đảng thành hiện thực, đưa văn hóa tỉnh Khánh Hòa lên tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Tin & ảnh Ngọc Vân