Tháp Bà – Dấu ấn nghìn năm, kết tinh văn hóa Chăm - Việt
![]() |
Tháp Bà Pô Nagar được xây dựng từ thế kỷ VIII đến XIII vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cổ Chăm Pa |
Tháp Bà Pô Nagar được xây dựng từ thế kỷ VIII đến XIII, là một trong những công trình kiến trúc Chăm Pa cổ kính còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Di tích này được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Tháp Bà có giá trị đặc biệt tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử; hiện còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 đơn vị minh văn trên các Bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác. Không chỉ mang giá trị nghệ thuật và kiến trúc tiêu biểu, di tích này còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của cộng đồng Chăm và Việt suốt nhiều thế kỷ qua.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhận di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar. Ảnh Nguyễn Thành - TTX VN |
Tháp Bà không chỉ là một quần thể đền tháp cổ với những họa tiết điêu khắc tinh xảo, mà còn là nơi linh thiêng, biểu tượng của tín ngưỡng Mẫu – nơi tôn thờ nữ thần Pô Nagar hay còn gọi là Thiên Y A Na. Vượt qua những biến thiên lịch sử, Tháp Bà vẫn hiển hiện như một nhân chứng sống, ghi dấu sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Chăm - Việt, và là chốn quy tụ tâm linh của người dân khu vực Nam Trung Bộ.
![]() |
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại lễ công bố . Ảnh Nguyễn Thành - TTX VN |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Khánh Hòa nhấn mạnh: Việc được công nhận hai danh hiệu di sản văn hóa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục hoàn thiện các phương án quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả các giá trị di sản, gắn với phát triển bền vững du lịch, kinh tế - văn hóa địa phương.
Song hành với Tháp Bà là một di sản vô hình nhưng có sức lan tỏa sâu rộng – đó là “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”, nay đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề trầm – biểu tượng văn hóa, kinh tế và tinh thần – từ lâu đã gắn bó với đời sống người dân địa phương. Trầm hương không chỉ là sản vật quý hiếm mà còn là linh khí hội tụ của núi rừng Khánh Hòa, chứa đựng trong đó niềm tin, sự khéo léo và cả chiều sâu tri thức dân gian.
Từ xa xưa, tỉnh Khánh Hòa đã được biết tới với tên gọi “Xứ Trầm hương”, một đặc sản nổi tiếng của cả nước, gắn liền với đó là hình tượng của nữ thần Pô Nagar/Thiên Y A Na được những nghệ nhân thực hành nghề Trầm hương tôn vinh là thủy tổ của nghề. Với truyền thống và kinh nghiệm lâu đời của nghề Trầm hương, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay đã có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề Trầm hương, góp phần tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nổi tiếng từ Trầm hương như: Nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm,… trong đó nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương đạt chất lượng cao và uy tín ở trong nước và trên thế giới, đạt chứng nhận chất lượng OCOP quốc gia, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, hiện nay nghề khai thác trầm hương Khánh Hoà vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian trong việc duy trì những kinh nghiệm để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương đến với mọi người, mọi nhà; tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với “Xứ Trầm hương – tỉnh Khánh Hòa”.
Gắn kết di sản với phát triển du lịch địa phương
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư, nghiên cứu xây dựng 02 chương trình nghệ thuật, đó là chương trình “Lung linh xứ Trầm” và chương trình “Trăng soi dáng Tháp” , được trình diễn định kỳ vào ngày 01 và 15 Âm lịch hàng tháng, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến tham quan, thưởng thức và đánh giá cao, mang lại một hoạt động mới, với nhiều màu sắc dân gian truyền thống tại di tích Tháp Bà.
Việc hai danh hiệu cao quý được công nhận trong cùng một sự kiện đã tạo nên điểm nhấn văn hóa đáng tự hào, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Khánh Hòa trong định hướng phát triển văn hóa gắn liền với du lịch và kinh tế địa phương. Lễ công bố được tổ chức với ba phần đặc sắc: Chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Mẹ Xứ Sở", nghi lễ công bố danh hiệu và chương trình nghệ thuật "Tự hào di sản văn hóa nghìn năm" – như một hành trình kể lại lịch sử, tôn vinh ký ức và truyền cảm hứng cho hiện tại và tương lai.
Không chỉ là một sự kiện mang tính hình thức, việc công nhận các di sản văn hóa còn là cam kết của chính quyền và nhân dân Khánh Hòa trong công cuộc bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời làm tiền đề để xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, mang dấu ấn bản sắc địa phương.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để có được thành tựu và vinh dự của các danh hiệu di sản văn hóa trong buổi lễ ngày hôm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa; sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp và hỗ trợ của các sở ngành, địa phương thuộc tỉnh. Trong thời gian tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích Tháp bà Pô Nagar và Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa độc đáo và thương hiệu đặc trưng riêng mang bản sắc của văn hóa Khánh Hòa.
Tháp Bà Pô Nagar và nghề trầm hương là hai biểu tượng tiêu biểu cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc qua hàng thế kỷ. Việc được vinh danh ở cấp độ quốc gia không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm to lớn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa.