Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, quý 1/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bà Tô Tường Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 giảm mạnh ở tất cả các thị trường, trong đó thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 23,5%, Hoa kỳ giảm 55%, EU giảm 30%, thị trường Trung Quốc giảm ít nhất với 11%. Nguyên nhân được xác định do 3 yếu tố lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu số lượng hàng lớn. Đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá xuất khẩu giảm mạnh. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thuỷ sản Việt Nam tại nhiều thị trường chính.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), một trong những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu được triển khai từ đầu năm tới nay là tập trung giải pháp hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Song song, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được như các thị trường khu vực như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.
Xuất phát từ thực tế, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đề xuất giải pháp, như: hỗ trợ triển khai xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và phổ biến thông tin thị trường, nhất là với thị trường Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo đại diện Hiệp hội Thực phẩm, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài, hội chợ quốc tế lớn để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, truyền thông được nhiều hơn cho thương hiệu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu thực phẩm chế biến của của Việt Nam. Hiện nay nông sản của Việt Nam rất đa dạng và có tiếng trên thế giới, nhưng sản phẩm chế biến chưa có nhiều thương hiệu lớn mà thế giới biết đến. Do đó, cần có chương trình xúc tiến thương mại dành cho thương hiệu nông nghiệp chế biến.
Ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang mong muốn, trong thời gian tới, Sở Công Thương An Giang đề xuất được tiếp tục tham gia phối hợp với Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ thực hiện Đề án giai đoạn 2 thông qua các hoạt động như: Phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức hội nghị đón đoàn siêu thị Pháp vào tỉnh khảo sát, tìm hiểu về tình hình sản xuất, xuất khẩu của tỉnh, kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mục tiêu cụ thể là hỗ trợ sản phẩm rau củ quả tươi/đông lạnh của tỉnh kết nối được với hệ thống siêu thị của Pháp; Tiếp tục phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ giới thiệu các mặt hàng chủ lực là cá tra và rau củ quả tươi/đông lạnh đảm bảo đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại các mạng phân phối nước ngoài; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định, mục tiêu đưa ít nhất một mặt hàng chủ lực của tỉnh tiếp tục vào hệ thống siêu thị tại thị trường Châu Âu…
Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu một số đề xuất kiến nghị đối với Chính phủ và Bộ Công Thương như: Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới. Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên tổ chức triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm, để chúng ta có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, tiểu thụ, xuất khẩu; cân đối được bài toán quy mô sản xuất và năng lực tiêu thụ của thị trường, tăng cao hơn nữa giá trị sản xuất nông nghiệp; cũng như hạn chế đến mức thấp nhất việc dư cầu hàng hóa, tạo áp lực lớn việc tiêu thụ khi vào mùa và có những định hướng phù hợp về quy mô, tạo năng lực phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó gắn với trách nhiệm các địa phương trong thực hiện, trong phối hợp; các Bộ ngành hướng dẫn, hỗ trợ theo lĩnh vực.
Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm chỉ đạo Thương vụ, Văn phòng XTTM Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin về các chính sách, định hướng phát triển thương mại quốc tế; quy định của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới đường bộ đối với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu biên giới và hoạt động hỗ trợ, kết nối giữa doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Phương Oanh