Indonesia kiên quyết giữ lệnh cấm iPhone 16, từ chối đề xuất 100 triệu USD từ Apple. |
Indonesia đã từ chối đề xuất đầu tư 100 triệu USD của Apple nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 vì cho rằng hãng "táo khuyết" không đáp ứng căn bản các yêu cầu của chính phủ.
Tháng trước, Indonesia đã cấm tiếp thị và bán sản phẩm iPhone 16 do Apple không đáp ứng các quy định đầu tư của địa phương, trong đó có việc phải đảm tỷ lệ nội địa hóa 40%, nhằm khuyến khích đầu tư từ các công ty công nghệ lớn. Sau lệnh cấm, Apple đã đề nghị tăng khoản đầu tư vào Indonesia thêm 100 triệu USD để đổi lấy việc được chính quyền sở tại dỡ bỏ lệnh cấm bán dòng điện thoại mới.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 25/11, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho rằng, đề xuất của Apple chưa đáp ứng được 4 khía cạnh công bằng đó là khoản đầu tư của Apple vào các quốc gia khác; khoản đầu tư được ghi nhận vào các thương hiệu điện thoại di động, máy tính cầm tay và máy tính bảng (HKT) khác tại Indonesia; tạo ra giá trị gia tăng và doanh thu của nhà nước; và việc làm được tạo ra từ việc thực hiện khoản đầu tư.
Bộ Công nghiệp Indonesia cũng đánh giá, lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm của Apple trên thị trường trong nước là khá lớn và Indonesia mong muốn các giá trị đầu tư lớn hơn.
Theo Bloomberg, Bộ trưởng Kartasasmita dẫn số liệu Apple đã đầu tư hơn 244 tỷ rupiah (15 tỷ USD) cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Để so sánh, tại Indonesia, nhà sản xuất iPhone mới đầu tư 1,5 tỷ rupiah cho học viện dành cho nhà phát triển.
Hãng công nghệ Mỹ mở các học viện này từ năm 2018 như một cách để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa trên sản phẩm.
Hiện tại, Indonesia vẫn cấm Apple bán iPhone 16 do không đáp ứng yêu cầu này. Bình luận của ông Kartasasmita báo hiệu khó khăn phía trước cho công ty của Tim Cook trong việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Theo bộ trưởng Kartasasmita, các đối thủ như Samsung Electronics và Xiaomi đã đầu tư tương ứng 8.000 tỷ và 55 nghìn tỷ rupiah để sản xuất thiết bị của họ tại đây.
“Chúng tôi muốn Apple quay lại kinh doanh ở đây nhưng cần giải pháp công bằng”, ông Kartasasmita bổ sung. Ông cũng muốn Apple gửi các nhóm đàm phán sang làm việc.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia cũng yêu cầu Apple thực hiện cam kết đầu tư còn lại cho năm 2023, lên tới 10 triệu USD. Khoản thanh toán còn lại cho cam kết không phải là một phần của đề xuất mới vì đề xuất mới áp dụng cho nghĩa vụ của Apple trong việc lấy chứng chỉ cấp độ linh kiện trong nước (TKDN) từ năm 2024–2026. Apple có nghĩa vụ phải thảo luận về đề xuất này 3 năm/lần. Ưu tiên hàng đầu của nước này hiện là Apple mở một nhà máy trong nước.
Trên thực tế, tuy cấm bán iPhone 16 nhưng Indonesia vẫn cho phép mang dòng điện thoại mới này vào trong nước nếu không thuộc diện mua bán thương mại. Chính phủ nước này ước tính đã có khoảng 9.000 chiếc được mang vào trong nước theo cách trên.
Ngoài iPhone 16, Indonesia cũng cấm bán điện thoại Google Pixel vì không đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa nói trên và hiện cũng đã có 22.000 chiếc điện thoại loại này được đưa vào Indonesia theo đường phi thương mại.