Nỗ lực để không bị chậm tiến độ
Tập đoàn Xuân Thiện và các công ty thành viên gồm Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2, Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 3 đang không ngừng nỗ lực để xây dựng và đưa vào vận hành Chuỗi tổ hợp dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến nông sản do Tập Đoàn Xuân Thiện đầu tư tại Huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Chuỗi tổ hợp dự án này gồm trang trại chăn nuôi, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nhà máy sản xuất nước trái cây với mục tiêu cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và hướng đến xuất khẩu.
Dự án đầu tiên trong chuỗi tổ hợp Dự án Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 được khởi công vào ngày 21/12/2020, đến nay đã đi vào vận hành giai đoạn 1, toàn bộ thiết bị công nghệ áp dụng tại dự án được tự động hóa và hiện đại nhất thế giới.
Ngày 04/5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1443/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và Quyết định số 1442/QĐ-UBND về việc chấp chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 tại xã Nguyệt Ấn (xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc) cho Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 3 để chăn nuôi lợn và sản xuất lợn giống.
Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 có quy mô diện tích đất khoảng 97,04 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5000 lợn nái và 35.000 lợn thịt.
Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 3 có quy mô diện tích đất khoảng 104,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5000 lợn nái và 35.000 lợn thịt.
Đến ngày 12/07/2022 dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2451/QĐ-UBND và 2452/QĐ-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư, cụ thể là điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.
Dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 được Nhà đầu tư áp dụng công nghệ và thiết bị tự động tương tự như Dự án Xuân Thiện Thanh Hóa 1, luôn đảm bảo tuân thủ những quy định khắt khe về môi trường.
Những đòi hỏi vô lý
Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và điều chỉnh chủ trương 02 dự án trên, Nhà đầu tư đã tập trung nguồn lực để triển khai dự án, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB).
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 với những chuỗi ngày dài thực hiện giãn cách xã hội khiến Tập đoàn Xuân Thiện cùng các công ty thành viên gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các cơ quan hữu quan của tỉnh Thanh Hóa cũng như các hộ dân thuộc diện được ĐBGPMB để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án kể trên.
Được biết, đến thời điểm này, tại Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2, chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân bị ảnh hưởng được 83/97,4 ha. Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 3 cũng đã hoàn thành thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân với diện tích 100/104,96 ha.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài gây hạn chế việc tiếp cận với người dân để thỏa thuận chuyển nhượng đất, thực hiện công tác ĐBGPMB. Ông Ngô Tôn Quyền – Trưởng ban GPMB của Dự án cho biết: “Đến nay, đa số người dân bị ảnh hưởng của 02 dự án trên đã nhất trí với các phương án và đơn giá đền bù, tiến độ ĐBGPMB đã đạt khoảng 91%”.
Cũng theo ông Quyền, hiện tại còn có một số hộ dân đưa ra những đòi hỏi về giá trị ĐBGPMB rất vô lý, vượt khung quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa đến mức không thể chấp nhận. Cụ thể, một số hộ điển hình (đều ở thôn Môn Tía, xã Nguyệt Ấn) như hộ ông Bùi Văn Lân diện tích bị ảnh hưởng của dự án 33.908,4 m2; ông Bùi Minh Thiên với diện tích 44.968,3 m2; ông Bùi Văn Giang thôn Môn Tía diện tích 7.944,5 m2 đất trồng cây hàng năm; ông Bùi Văn Trí 16.044,6 m2 đất rừng sản xuất; ông Bùi Văn Lam với 13.385,2 m2 đất rừng sản xuất. Tổng dự án còn 13 hộ tại thôn Môn Tía, xã Nguyệt Ấn tổng diện tích khoảng 20 ha.
Ông Ngô Tôn Quyền cho biết thêm, trong quá trình ĐBGPMB vì doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân nên gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Quy mô diện tích đất thực hiện dự án lớn và vướng phải một số hộ dân đòi hỏi giá trị đền bù quá lớn, quá vô lý nên thời gian thỏa thuận kéo dài không thể kết thúc sớm. Đối với phần diện tích Nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng của các hộ dân, nhằm tránh tình trạng người dân lấn chiếm, xâm canh, đòi thêm tiền đền bù... chúng tôi buộc phải tiến hành việc bóc phong hóa, cắm mốc san gạt một số diện tích nhằm tạo ranh giới cho dự án với phần diện tích của người dân.
Đối diện nguy cơ chậm tiến độ
Qua tìm hiểu được biết, Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất lúa tại phần đất thực hiện dự án. Đồng thời UBND huyện Ngọc Lặc ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Cả 2 khu đất trên đã được UBND huyện Ngọc Lặc cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và được chuyển tiếp vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện.
Đến nay, cả nước có 14.800 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp. Bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, cùng với hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, Bộ NN&PTNT đã thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, cắt giảm, cải tiến mạnh mẽ các TTHC theo hướng một cửa liên thông; nâng cấp, mở rộng đăng ký trực tiếp qua cổng thông tin điện tử theo các cấp độ. Nhờ đó, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Tổ hợp chuỗi dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Tập đoàn Xuân Thiện tập trung và tích cực khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý để có thể khởi công sớm các dự án theo đúng tiến độ. Theo dự kiến, trong tháng 4/2023, Tập đoàn Xuân Thiện sẽ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất nước trái cây. Tuy nhiên do gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân, đặc biệt là việc phải giải thích đối với những hộ dân có những đòi hỏi vô lý là không đơn giản. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ dự án bị chậm tiến độ, gây nhiều hệ lụy phức tạp. Vấp phải những “ca khó” như trường hợp này, cho dù doanh nghiệp có năng lực đến mấy cũng phải… toát mồ hôi!
Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của Tập đoàn Xuân Thiện, cần sớm có sự đồng hành mạnh mẽ, quyết liệt từ chính quyền sở tại các cấp tại tỉnh Thanh Hóa. Có như vậy, doanh nghiệp mới đủ điều kiện để đạt được những mục tiêu đã đặt ra tại Chuỗi tổ hợp dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến nông sản trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.
Nhóm PV