Thông tin từ Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho hay, sau khi nguyên cứu hồ sơ vụ án hành chính sơ thẩm thụ lý đơn về việc khiếu kiện quyết định hành chính, đồng thời Tòa án cũng nhận được công văn Cục thuế Thành phố về việc đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House).
Ngày 26/2, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44/2021/QĐ-HBPKCTT. Nội dung của Quyết định này ghi rõ: "Xét thấy căn cứ các tài liệu chứng cứ và các tình tiết có liên quan đến vụ việc thì biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án áp dụng không còn thuộc trường hợp khẩn cấp. Do đó, việc tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời là không còn căn cứ. Vì lẽ có, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được ban hành trước đó".
Điều 1 của Quyết định số 44/2021/QĐ-HBPKCTT ghi: "Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 69 của Luật Tố tụng hành chính đã được Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh áp dụng tại Quyết định áp dụng pháp khẩn cấp tạm thời số 30/2021-QĐ-HBPKCTT ngày 25/1/2021". Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Cơ quan thuế cho biết, qua thanh tra tại doanh nghiệp Thu Duc House, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện doanh nghiệp này thực hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
Sau đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị huỷ bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Thuduc House, để các quyết định của Cục Thuế TPHCM được thực thi, kịp thời thu hồi tiền thuế vào ngân sách.
Cơ quan thuế cho rằng, đây là vụ án rất lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều doanh nghiệp. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác. Hành vi của các nhóm đối tượng cấu thành nhiều tội danh như: buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, trốn thuế...
Về phía Tổng cục Hải quan, đơn vị cũng đã xác định có 70 doanh nghiệp có liên quan đến vụ án, trong đó có cả những doanh nghiệp "ma". Một số doanh nghiệp do các đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội.
Một trong những thủ đoạn chính của doanh nghiệp là thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu, làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Trần Linh