UBND TP. Huế đã đầu tư kinh phí hỗ trợ trùng tu, chống xuống cấp các nhà vườn nhằm khai thác tiềm năng du lịch. Hiện toàn thành phố có 87 nhà vườn, trong giai đoạn 2015 - 2020, đã có 11 nhà vườn được trùng tu, tôn tạo nhà chính và hỗ trợ các dịch vụ bổ trợ để đón khách tham quan với kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng.
Để khai thác tiềm năng và phát huy giá trị nhà vườn Huế, TP. Huế đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ nhà vườn, bao gồm: hỗ trợ chính sách thiết kế cải tạo vườn, cải tạo sửa chữa phòng lưu trú, nhà vệ sinh để tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ du lịch tại 9 nhà vườn đặc trưng ở Kim Long, Thủy Biều, Bao Vinh với kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề, tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng tour tuyến du lịch và hạ tầng cơ bản khoảng 15,8 tỷ đồng. Trong năm 2024, thành phố thực hiện trùng tu 2 nhà vườn với tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng theo hướng bảo tồn kiến trúc đặc trưng của nhà rường, nhà vườn Huế.
Trước đó, ngày 8/11/2024, UBND TP. Huế đã tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, chống xuống cấp nhà rường bà Phan Thị Diệu Liên tại số 77B Bao Vinh (Hương Vinh). Đây là ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng nhất trong hệ thống nhà cổ tại Bao Vinh và được hỗ trợ trùng tu với tổng kinh phí tối đa 1 tỷ đồng.
![]() |
Phố cổ Bao Vinh (TP. Huế) |
Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, ông Nguyễn Đức Minh cho biết, hiện đa số các nhà rường cổ Bao Vinh vẫn còn giữ nguyên hiện trạng nhưng do không đầu tư trùng tu nên đã xuống cấp. Qua khảo sát, địa phương đã vận động người dân tham gia Đề án để được trùng tu, song có một số hộ dân do đợi quá lâu nên đã tự tháo dỡ và sửa chữa theo nhu cầu của gia đình; số còn lại đã và đang được thành phố bố trí vốn tu bổ, chống xuống cấp, tạo động lực để phường tiếp tục vận động, khuyến khích bà con bảo vệ giá trị nhà rường cổ trên địa bàn. Việc thành phố hỗ trợ kinh phí để trùng tu, chống xuống cấp hệ thống nhà rường cổ không chỉ bảo tồn giá trị nhà rường cổ trên địa bàn, mà còn góp phần chỉnh trang hạ tầng phố cổ Bao Vinh, trả lại mỹ quan đô thị để tạo động lực phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. |
Đến nay, đã có 8 nhà vườn tham gia Đề án tổ chức kinh doanh du lịch phục vụ du khách; trong đó, có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay và ngày càng hoàn thiện, phát triển mô hình kết hợp bảo tồn nhà vườn và kinh doanh du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, thời gian qua tỉnh và thành phố đã quan tâm đến nhà vườn Huế thông qua các chính sách hỗ trợ trùng tu, sửa chữa nhà vườn và bổ sung kinh phí tu bổ hệ thống nhà rường cổ Bao Vinh. Đây là tiền đề, động lực để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố. Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương sắp hoàn thành sẽ kết nối 2 “thủ phủ” nhà vườn Huế là Kim Long và Thủy Biều, thúc đẩy và hình thành thêm các tour tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Sở Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn cho chủ các nhà vườn và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, phát triển các tour du lịch cộng đồng, quảng bá du lịch nhà vườn Huế qua các kênh, đồng thời mời các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch nhà vườn để nhà vườn Huế phát huy giá trị kinh tế, thu hút khách tham quan.
Ông Nguyễn Ích Huấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế, thông tin, từ nay đến hết năm 2026, Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế sẽ tiếp tục khởi công trùng tu thêm 6 ngôi nhà rường cổ nằm trong danh mục Đề án tại phố cổ Bao Vinh, đồng thời tiếp tục khảo sát, thẩm định mức độ xuống cấp của các nhà vườn ở các địa phương trên địa bàn thành phố để xây dựng kế hoạch trùng tu hệ thống nhà vườn, góp phần gìn giữ, bảo vệ những giá trị đặc trưng của nhà vườn, phát huy hiệu quả khai thác kinh tế; đồng thời tạo sự đồng thuận, hình thành ý thức tự nguyện tham gia Đề án của các chủ nhà rường, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế.