Tham dự buổi tọa đàm có nhiều chuyên gia, nhà phân tích kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như: TS Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, ông Trịnh Minh Anh – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, TBT Tạp chí Hội nhập; Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh, báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập...
Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề pháp lý trong kinh doanh, sản xuất. Đối với các doanh nghiệp nếu không kịp thời cập nhật những quy định, cơ chế, chính sách mới thì vô tình tạo nên rào cản rất lớn, bỏ qua những “ưu đãi” mà Đảng và Nhà nước dành cho doanh nghiệp…
"Tọa đàm còn là nơi để các doanh nghiệp có uy tín của khu vực gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, lâu bền", Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nói và bày tỏ. "Với tinh thần đó, tôi tin tưởng chương trình hôm nay sẽ góp một phần nhỏ vào tiến trình hợp tác và liên kết phát triển của quý doanh nghiệp trong khu vực trên tinh thần thượng tôn pháp luật".
Phiên tọa đàm thứ nhất tập trung vào chuyên đề Kinh tế chia sẻ
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (bên trái)
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế, từ kinh tế truyền thống, nền tảng, sang thế giới số. Nền kinh tế nói chung đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ là tất yếu, là cơ hội nhưng giai đoạn đầu sẽ ít nhiều ảnh hưởng tính nhân văn, nhân đạo của kinh tế nền tảng, kinh tế truyền thống. Bởi tính cá nhân tăng lên, tính tương tác giảm đi...
Chuyên gia Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế
Chuyên gia Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định, có thể nói tất cả loại hình kinh tế Việt Nam đều đã và đang "bước vào" kinh tế chia sẻ, điển hình là kinh doanh vận tải. Nhờ Kinh tế chia sẻ, kinh doanh vận tải đã phát triển và phát triển nhanh. Lĩnh vực thứ 2 là du lịch trực tuyến với nhiều loại hình, tuy nhiên lĩnh vực này Nhà nước chưa thu được thuế. Nhiều lĩnh vực khác tương tự... "Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới. Tôi kêu gọi doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này, bước vào kinh tế chia sẻ. Các doanh nghiệp hãy dám cạnh tranh, dám bước vào, dám chia sẻ để tự tạo cơ hội cho mình, vì Nhà nước đã ủng hộ", Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nói.
Phiên tọa đàm thứ 2 tập trung vào chuyên đề Tài chính
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin, chúng ta không thiếu nguồn vốn nhưng do nhiều lý do, doanh nghiệp chưa hoặc không tiếp cận được. "Chúng ta có 6 nguồn vay vốn nhưng chưa được tận dụng hết, thậm chí có những nguồn vốn gần như không được sử dụng", ông Lực nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam)
Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) cho rằng, nguồn vốn hiện nhiều nhưng vốn ngân hàng vẫn là nguồn chủ yếu, ảnh hưởng lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay. Một trong những khó khăn lớn trong tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp là do hồ sơ tài chính nhiều doanh nghiệp chưa có sự rõ ràng nên không có được niềm tin của ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch tập đoàn ADO GROUP
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch tập đoàn ADO GROUP giãi bày, bất động sản là lĩnh vực rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Nhiều đại gia Việt Nam và thế giới trưởng thành từ bất động sản. Tuy nhiên, huy động vốn trong lĩnh vực này cũng rất khó khăn. m"Để huy động vốn, không chỉ bất động sản mà doanh nghề các ngành nghề phải ý thức về mục đích, có thị trường, tạo niềm tin khách hàng... để gửi thông điệp khách hàng khách hàng đồng ý ngay", ông Hưng chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp của mình. "Khi tạo được niềm tin cho khách hàng thì không chỉ ngân hàng mà các nhà đầu tư khác dễ sẵn sàng đầu tư vốn. "Tôi vận dụng kinh tế chia sẻ, mỗi người một ít. Nhưng quan trọng là chúng ta phải có uy tín".
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ thêm, hệ thống ngân hàng hiện không thể cho vay khởi nghiệp, bởi rất rủi ro. "Vậy nguồn của doanh nghiệp là các quỹ đầu tư và nguồn gia đình, bạn bè. Chúng tôi đang tư vấn để Chính phủ có cơ chế cho vay khởi nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp phải bộc bạch, minh bạch và có sản phẩm thuyết phục khách hàng", TS. Cấn Văn Lực nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, ghi nhận, lãi suất vốn ngân hàng đang giảm dần. Hồ sơ tài chính doanh nghiệp cũng ngày càng minh bạch hơn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Huỳnh, ngân hàng cũng cần tăng cường nghiêp vụ để cho vay dựa trên tín chấp, vì đấy là xu hướng tất yếu. "Ngân hàng hiện dám cho vay tín chấp không? Tôi khẳng định, ngân hàng chưa dám. Ngân hàng nên tăng cường nghiệp vụ, có những cơ chế mở hơn để vừa đảm bảo an toàn nguồn vốn, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn khởi nghiệp", Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đề nghị.
PV