Hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán và những sai phạm về chuyên môn vi phạm chuẩn mực kế toán

07:53 11/03/2021

Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán đồng thời quy định 07 trường hợp sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán.

Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. (Ảnh: minh họa)

 Hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Điều 5 Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán, cụ thể như sau:

Kiểm tra gián tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện giám sát tình hình đối tượng được kiểm tra tuân thủ các nghĩa vụ thông báo, nộp các báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra trực tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán. Hình thức kiểm tra trực tiếp bao gồm:

Kiểm tra định kỳ: Hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ quy định tại Điều 7 Thông tư này, cơ quan chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán;

Kiểm tra đột xuất: Cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện việc kiểm tra đột xuất các đối tượng được kiểm tra khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Kiểm tra để xác minh các đơn thư kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán;

Kiểm tra các thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình quản lý, kiểm tra gián tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.

Doanh thu dịch vụ kế toán bao gồm doanh thu từ: dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán; kiểm tra trực tiếp ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng quy định trên.

Bộ Tài chính thành lập Đoàn kiểm tra để thực hiện các cuộc kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán có trách nhiệm cử cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn kiểm tra khi có đề nghị của Bộ Tài chính.

Thứ nhất, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của người hành nghề dịch vụ kế toán và các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam, bao gồm: việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán; việc đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của kế toán viên hành nghề.

Thứ hai, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra khi cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Về công khai kết quả kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán, Thông tư quy định, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán

Thông tư số 09/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 25/01/2021 hướng dẫn kiểm tra dịch vụ kế toán quy định cụ thể 07 trường hợp sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán.

Đối tượng được kiểm tra thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được xem là có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng:

Một là, Báo cáo tài chính được lập trên cơ sở áp dụng sai chế độ kế toán;

Hai là, Báo cáo tài chính trình bày không trung thực, khách quan, đầy đủ để người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá đúng được thực trạng tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp;

Ba là, có sai sót về số liệu các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính trong đó tổng giá trị các chỉ tiêu có sai sót chiếm từ 10% trở lên trên tổng giá trị tất cả các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính;

Bốn là, có ít nhất 10% số lượng các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính có sự mâu thuẫn về số liệu giữa các báo cáo;

Năm là, kết quả xác định doanh thu, chi phí bị sai lệch từ 10% trở lên hoặc có sai sót kế toán khi xác định doanh thu, chi phí làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại;

Sáu là, có ít nhất 2 nội dung được quy định bị vi phạm về các thủ tục đối với dịch vụ lập và trình bày báo cáo tài chính bao gồm: Báo cáo tài chính có được lập, trình bày đầy đủ nội dung hoặc số lượng các báo cáo hoặc theo biểu mẫu quy định hay không? Số liệu trên báo cáo tài chính có đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán hay không? Báo cáo tài chính có được lập và trình bày theo đúng chuẩn mực và chế độ kế toán hay không?

Bẩy là, các sai sót trọng yếu khác.

Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán theo nội dung kiểm tra được quy định tại Thông tư này. Hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính rà soát, lập kế hoạch kiểm tra, công bố công khai danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán trong năm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và thông báo cho từng đối tượng được kiểm tra.

Đồng thời, ra quyết định kiểm tra và tổ chức thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các đối tượng được kiểm tra; Xử lý sai phạm phát hiện qua kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính sẽ lập và công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán chậm nhất là 60 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tất cả các cuộc kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch kiểm tra hàng năm; Tổ chức trao đổi, phổ biến, rút kinh nghiệm qua kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán hàng năm cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được kiểm tra; Báo cáo cấp có thẩm quyền theo chức năng quản lý để xử lý đối với các hành vi sai phạm của thành viên đoàn kiểm tra theo pháp luật liên quan.

Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2021.

Phương Ngân (T/h)