Hiểu thế nào về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"?

09:12 31/03/2022

Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, có thể khẳng định, hành vi thao túng TTCK là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thao túng thị trường chứng khoán là gì?

Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi đánh lừa nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc tác động giả tạo đến giá chứng khoán. Hành vi này cũng có thể liên quan đến các tuyên bố sai sự thật nhưng làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhằm đánh lừa các nhà đầu tư khác.

Quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam nghiêm cấm hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 nghiêm cấm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán, nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, hành vi “thao túng TTCK” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi sau:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Phạt tù từ 2-7 năm đối với tội thao túng thị trường chứng khoán

Theo Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi “thao túng TTCK” mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thao túng TTCK.

Về hình phạt cụ thể, theo Luật sư Hùng, mức phạt của tội này được chia thành hai khung. Khung một (khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2017) có mức hình phạt là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung hai (khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2017) có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội như có tổ chức; Thu lợi bất chính lớn từ 1,5 tỷ đồng trở lên; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài việc bị xử phạt một trong các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Chưa đến mức xử lý hình sự thì xử phạt tối đa 1,5 tỷ đối với cá nhân vi phạm

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Hình thức xử phạt bổ sung với hành vi vi phạm này như sau:

- Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 - 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam;

- Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 - 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.

Đồng thời, buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 Các nước xử phạt ra sao với hành vi thao túng thị trường chứng khoán?

Tại nhiều nước, hành vi thao túng thị trường chứng khoán là bất hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự.

Tại Mỹ, theo Đạo luật 1934, các cá nhân bị kết tội thao túng thị trường sẽ bị xử phạt tù tối đa 20 năm và phạt tiền lên đến 5 triệu USD.

Tại Nhật Bản, hình phạt tối đa đối với một công ty về hành vi thao túng thị trường là 700 triệu yên (6 triệu USD). Một cá nhân có thể đối mặt với mức phạt tù lên đến 10 năm và phạt tiền hơn 80.000 USD.

Tại Trung Quốc, nước này từng phạt một công ty logistics số tiền kỷ lục 5,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 870 triệu USD) đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu. Đây là hình phạt lớn nhất đối với hành vi này.

Tại Singapore, bất kỳ ai bị kết tội thao túng cổ phiếu sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 7 năm hoặc phạt tiền tối đa 250.000 đôla Singapore. 

Tại Malaysia, một người bị kết tội thao túng thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với mức tù không vượt quá 10 năm và bị phạt tiền không ít hơn 1 triệu ringgit.

Lâm Nghi (t/h)