Hiệu quả thị trường còn tồn tại nhiều trở ngại trong thực hiện giao dịch thương mại quốc tế

10:29 06/12/2022

Hiệu quả thị trường ở Việt Nam còn bị giới hạn nhiều bởi yếu tố thể chế, trong đó, quyền tài sản chưa được bảo đảm. Còn tồn tại nhiều trở ngại trong thực hiện giao dịch thương mại quốc tế (thứ hạng thấp 107).

Sáng 6/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện FNF tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cài cách quan trọng, thường xuyên.

Ảnh minh họa
Hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách hưởng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng", thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 6 (năm 2019), chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90.

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi mà các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức nghiêm trọng. Đây là thời điểm rất quan trọng để đánh giá lại các thách thức toàn cầu và khu vực châu Á nói chung và đối với quyền tự do kinh doanh và các cải cách thể chế của Việt Nam nói riêng”, bà Thu nói.

Theo VEPR, các trường phái lý thuyết cũng như thực tiễn chỉ ra rằng thể chế kinh tế thị trường mang lại sự thịnh vượng hơn cho nền kinh tế. Thể chế làm cho thị trường phát huy tốt các nguyên tắc, quy luật của thị trường, từ đó, thị trường sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong phân bổ nguồn lực từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn.

Ảnh minh họa
PGS, TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. 

Chỉ số Tự do kinh tế thế giới (Economic Freedom of the World) của Viện Fraser là chỉ số đánh giá mức độ chính sách và thể chế của một quốc gia ủng hộ tự do kinh tế trong 5 lĩnh vực: Quy mô của chính phủ; Hệ thống pháp lý và quyền tài sản; Tiếp cận với đồng tiền lành mạnh; Tự do thương mại quốc tế; Quy định về thị trường tín dụng, thị trường lao động và kinh doanh.

Tự do kinh tế gắn liền với xã hội lành mạnh hơn, môi trường trong sạch hơn, GDP bình quân đầu người cao hơn, phát triển con người, dân chủ và xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã từng bước hình thành những điều kiện cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn thông qua việc thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; cải thiện quyền tự do giao dịch, lao động; tự do tiền tệ; tự do đầu tư; giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài và có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, chuyển đổi, cho hoặc tặng, góp vốn để kinh doanh; nỗ lực hình thành đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế.

Đáng chú ý là, từ năm 2000 đến nay, xếp hạng Tự do kinh tế đối với Việt Nam (theo đánh giá của Viện Fraser) luôn nằm dưới thứ hạng 100, thể hiện hiệu quả thị trường kém. Mặc dù qua các năm, điểm số và thứ hạng có cải thiện nhẹ, nhưng vẫn rất thấp.

Trong đó, Việt Nam đạt 5,58 điểm và thứ hạng 105 (năm 2000); 5,9 điểm và thứ hạng 128 (năm 2010); 6,04 điểm với thứ hạng 126 (năm 2015); 6,4 điểm với thứ hạng 118 (năm 2019). Theo xếp hạng Tự do kinh tế 2022, Việt Nam ở vị trí cuối bảng (thứ 113/165 nền kinh tế) với 6,42 điểm (thang điểm 10).

“Với kết quả này, hiệu quả thị trường ở Việt Nam bị giới hạn nhiều bởi yếu tố thể chế, trong đó, quyền tài sản chưa được bảo đảm (điểm số và thứ hạng thấp - 82). Hiện còn tồn tại nhiều trở ngại trong thực hiện giao dịch thương mại quốc tế (thứ hạng thấp 107) và rào cản, bất cập về thể chế (quy định) đối với các hoạt động kinh doanh (điểm số và thứ hạng rất thấp – thứ 112)”, Viện Fraser cho biết.

Hoài Anh