Tổng cục Thuế đã công bố số liệu về thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2024. Tổng thu ước đạt 640.298 tỷ đồng, tương đương 43% so với dự toán, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa và thuế, phí nội địa đều đạt được tỉ lệ tương đương và tăng trưởng khá ổn định so với cùng kỳ.
Đối với các khoản thu, sắc thuế, có 13/20 khoản đạt khá (trên 40%) về mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến thời điểm này, có 25/63 địa phương thực hiện dự toán đạt khá, 26/63 đạt từ 30% - 40%, và 12/63 đạt dưới 30% dự toán.
Trong công tác quản lý thuế, toàn ngành Thuế đã thực hiện 15,8% kế hoạch năm 2024 về cuộc thanh tra, kiểm tra, và đạt 86% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt 9.956 tỷ đồng, bằng 57,7% so với cùng kỳ, với tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.704 tỷ đồng.
Trong việc thu nợ tiền thuế, toàn ngành thu được 32.068 tỷ đồng tính đến cuối tháng 4/2024. Đối với hoàn thuế GTGT, đã có 5.580 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền 39.440 tỷ đồng, tăng 23,1% so với dự toán và 105% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 2% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng (VAT) cho nửa cuối năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là lần thứ 4, Bộ Tài chính giảm loại thuế này, kể từ đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Tài chính, các năm 2020-2023, tổng trị giá của các gói miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã lên đến khoảng 700.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, dự kiến các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện là khoảng 68.000 tỷ đồng.
Vì tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu còn hiện hữu. Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong khi tổng cầu tiêu dùng là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần tiếp tục có giải pháp để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
P.V (t/h)