Hành trình ngược dòng vượt "bão" Covid ngoạn mục của Hy Lạp

15:50 08/12/2021

Chỉ riêng năm 2017, Hy Lạp đã đón 27,2 triệu lượt khách nhưng đồng thời đất nước tiềm ẩn nguy cơ lây lan vi rút từ du khách quốc tế. Đây cũng là quốc gia có dân số già thứ hai trong Liên minh châu Âu, lĩnh vực y tế của nước này đã bị tàn phá bởi những chính sách thắt lương buộc bụng khiến nền kinh tế kiệt quệ và giảm gần 40% quy mô so với năm 2008. Những tưởng với tất cả các bất lợi trên, đại dịch tại Hy Lạp sẽ là thảm họa tiếp theo sau nhiều năm kinh tế trì trệ, tuy nhiên "Xứ sở của các vị thần" đã có cú ngược dòng ngoạn mục.

 

Hy Lạp đã có cú lộn dòng ngoạn mục vượt
Hy Lạp đã có cú ngược dòng ngoạn mục vượt "bão" Covid-19.

Cú ngược dòng ngoạn mục 

Tính đến ngày 21/4, đất nước ghi nhận 2.245 trường hợp và 116 ca tử vong - một trong những con số thấp nhất tại khu vực EU. Theo các nhà phân tích, chìa khóa thành công của Hy Lạp là nhờ những bước đi ban đầu của chính phủ ngằm ngăn chặn vi rút thâm nhập từ châu Âu. Ngày 12/3, sau ca tử vong đầu tiên và toàn quốc ghi nhận 117 trường hợp mắc mới, chính phủ đã đưa ra các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn luồng vi rút thâm nhập trong khu vực. Toàn bộ trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em, nhà hát và trung tâm giải trí đồng loạt đóng cửa. Hai ngày sau, Athens cho dừng tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Phía Tây EU, nước Ý phải mất 18 ngày để đưa ra được quy trình tương tự.

Kể từ giữa tháng 3, tất cả du khách nhập cảnh đều phải kiểm dịch tại các sân bay và được đưa đến các khách sạn được chỉ định cho đến khi có kết quả âm tính. Các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ đều bị tạm dừng từ ngày 23/3 trở đi và các dịch vụ hàng không cắt giảm đáng kể. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết: “Thật không may, ở Ý cứ hai phút lại có một người bị nhiễm. Do đó, chúng ta phải bảo vệ lợi ích của đất nước và sức khỏe của người dân”. Vào thời điểm đó, số ca nhiễm tại Hy Lạp là 624 trường hợp và 15 người tử vong. Để so sánh, Vương quốc Anh dù thi hành các biện pháp cùng ngày nhưng ghi nhận 6.650 trường hợp và ít nhất 335 người tử vong.

Ngày 28/4, Thủ tướng công bố kế hoạch chi tiết chấm dứt hạn chế và đóng cửa trên toàn quốc. Đầu tháng 5, công dân Hy Lạp có thể tự do rời khỏi nhà và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại. Mạng lưới giao thông công cộng, bệnh viện, tiệm làm tóc và cơ sở kinh doanh dần hồi phục nhưng bắt buộc phải đeo khẩu trang. Tiếp đó, học sinh lớp 12 được quay trở lại trường học, dần dần người dân được ra khỏi thành phố. Lượng lớn khách sạn và nhà hàng hoạt động có thể tiếp tục hoạt động bình thường trong khi duy trì quy tắc phòng tránh dịch.

Dư luận và lòng tin công chúng

Biểu đồ a: Đo lường lòng tin của công chúng đối với phản ứng của chính phủ và các đảng đối lập
Biểu đồ b: Đo lường lòng tin của công chúng đối với hai nhà lãnh đạo là Mitsotakis và Tsipras
Biểu đồ a: Đo lường lòng tin của công chúng đối với phản ứng của chính phủ và các đảng đối lập; Biểu đồ b: Đo lường lòng tin của công chúng đối với hai nhà lãnh đạo là Mitsotakis và Tsipras. (Ảnh: Theo nghiên cứu của Stella Ladi) 

Ưu thế trong giai đoạn đầu đại dịch của Hy Lạp không chỉ liên quan đến nỗ lực kiểm soát khủng hoảng của chính phủ mà còn mang lại hiệu quả gián tiếp. Theo các cuộc khảo sát ban đầu, công chúng phản ứng tích cực với thông tin mà chính phủ cung cấp, mức độ tin tưởng đối với tổ chức khu vực công cũng theo đó tăng lên. Kết quả khảo sát HIT T4/2020 ghi nhận 65% người dân Hy Lạp tin rằng chính phủ đang chèo lái cuộc khủng hoảng y tế và chỉ số ít khoảng 15,5% bày tỏ quan điểm ngược lại. Đặc biệt, 59,5% hoàn toàn tin tưởng thông tin do Bộ Y tế đưa ra. Đây thực sự là một kỳ tích phá vỡ nhiều nghi ngại trước đó do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và các biện pháp thắt lưng buộc bụng tác động tiêu cực đến lòng tin của người dân đối với bộ máy cầm quyền. Thủ tướng Mitsotakis gửi lời cảm ơn người dân đã có thái độ và trách nhiệm với cộng đồng: “Di sản còn lại từ cuộc khủng hoảng này là ý thức về thành công của tập thể”.

Quyết định của chính phủ trong thời kỳ đầu hầu hết dựa trên lời khuyên của các chuyên gia không chỉ giúp quốc gia này triển khai chiến lược chống dịch mà còn củng cố lòng tin dư luận. Theo cuộc khảo sát của YouGov vào tháng 3 năm 2021, 75,3% người được hỏi cho rằng đóng góp của giới khoa học dẫn đến các quyết định sáng suốt hơn. Tuy nhiên, niềm tin vào chính phủ dường như đã chùng xuống trong giai đoạn sau đó không lâu. Sự tín nhiệm cũng góp phần quyết định lựa chọn bỏ phiếu của người dân, gia tăng khoảng cách giữa chính quyền dân chủ mới và phe đối lập Syriza bên cạnh cuộc đua của các cá nhân như Thủ tướng Mitsotakis (48%) so với nhà lãnh đạo Syriza, Alexis Tsipras (26%). Mặc dù bức tranh màu hồng này không kéo dài quá lâu nhưng rất đáng để phân tích vì đây là minh chứng cho thấy thể chế, hệ thống chính trị và xã hội Hy Lạp đủ khả năng thích ứng, đương đầu với tình huống khẩn cấp như Covid-19.

Sau cú vượt dòng thành công, Thủ tướng cùng các bên liên quan chống dịch giai đoạn một đã cho ra đời Cơ chế can thiệp nhằm chịu trách nhiệm khôi phục tình hình chung của đất nước. Cơ chế mới được vận hành bởi nhóm các chuyên gia y tế nhưng phần lớn vẫn là cố vấn kinh tế và chính trị thân cận của thủ tướng. Tuy nhiên, cách làm lần thứ hai không đạt được hiệu quả vượt trội so với hệ thống xử lý trước đây. Giai đoạn thứ hai của đại dịch bùng phát từ tháng 10/2020. Mặc dù Hy Lạp có thể kiểm soát áp lực như số ca bệnh tăng dần, bao gồm cả dân tị nạn sau sự kiện đốt trại Moria hồi tháng 9 đẩy Hy Lạp vào thế bí. Bên cạnh đó, bất chấp diễn biến tích cực trong giai đoạn đầu nhưng quốc gia xinh đẹp này rõ ràng thiếu khả năng hồi phục, chính vì vậy chính phủ lựa chọn tập trung vào kinh tế trong giai đoạn thứ hai. Bộ máy đứng đầu đất nước cố gắng mở cửa trở lại nhằm phục hồi ngành du lịch vốn mang lại nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế. Thế nhưng cuộc khủng hoảng kéo dài khiến người dân ngày càng mệt mỏi, phát chán các quy định, thậm chí không nhiều người duy trì tính tự giác, tuân thủ.

Ngoài những thách thức trên, chính phủ Hy Lạp còn phải đối mặt với bối cảnh chính trị phân cực. Các đảng đối lập công khai chỉ trích biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt là không hiệu quả đồng thời phản đối kịch liệt các quyết định xoay quanh vấn đề nóng trong xã hội như cải cách giáo dục, luật lao động,... Sự phân cực gia tăng dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc phản đối khiến vi rút lây lan. Cuối cùng, chính phủ khó lòng duy trì các hỗ trợ kinh tế dành cho người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nổ ra cuộc tranh cãi chính trị gay gắt trong công cuộc phục hồi sau đại dịch.

Cứng rắn trong các quy định tiêm chủng 

Tỷ lệ tiêm chủng của Hy Lạp tính đến tháng 12/2021
Tỷ lệ tiêm chủng của Hy Lạp tính đến tháng 12/2021. (Ảnh: Our World in Data)

Hy Lạp trở thành quốc gia châu Âu tiếp theo áp đặt các hạn chế đối với công dân chưa tiêm chủng trong bối cảnh số trường hợp nhiễm vi rút Corona cũng như lượng người nhập viện tăng mạnh. Những người không có giấy chứng nhận vắc xin sẽ bị cấm đến các địa điểm trong nhà như rạp chiếu phim, rạp hát, phòng tập thể dục; không được phép ra vào hàng quán. Thủ tướng Hy Lap, Kyriakos Mutsotakis cho biết trong một bái phát biểu truyền thông rằng, quy định mới nhằm mục đích đem đến “Giáng sinh an lành hơn năm ngoái” và kêu gọi người dân tiêm chủng. Cho đến nay, khoảng 62% tổng dân số Hy Lạp đã được tiêm chủng nhưng vẫn dưới mức trung bình của khu vực châu Âu là 66%, đáng lưu ý tỷ lệ này có xu hướng trì trệ trong những tháng gần đây. 

Trong nỗ lực mới nhất, Hy Lạp sẽ bắt buộc tiêm chủng cho tất cả người trên 60 tuổi kể từ tháng 1/2022 để đối phó với sự gia tăng của biến thể Omicron. Đạo luật mới nhận được ửng hộ của chính phủ trung hữu và một số nghị sĩ thuộc đảng đối lập. Khoảng 17% dân số trên 60 tuổi chưa tiếp cận vắc xin dù là mũi đầu tiên. Cứ 10 người thì có 9 người thuộc nhóm tuổi này tử vong vì Covid-19. Thủ tướng khẳng định: “Tôi không quan tâm liệu biện pháp này có khiến tôi mất thêm phiếu bầu hay không. Tôi tin rằng chúng tôi đang làm đúng và cứu được nhiều người”. Hy Lạp đã chứng kiến tốc độ gia tăng đột biến số ca nhiễm trong tháng này với 6.677 trường hợp mắc mới và 104 người tử vong, nâng tổng số lên 18.067 ca tử vong kể từ khi đại dịch hoành hành vào tháng 3 năm ngoái.

Cơ hội mới cho ngành du lịch

Khi Covid-19 chính thức được công bố là đại dịch, các cuộc thảo luận về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế nước nhà ngày càng tăng cao. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành du lịch chắc chắn trải qua cú sốc nghiêm trọng do lây lan theo tuyến đường quốc tế. Nền kinh tế Hy Lạp phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động du lịch và đặc biệt là doanh thu du lịch quốc tế. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, toàn ngành du lịch đạt 18,2 tỷ euro vào năm 2019, tức là gần 56% xuất khẩu dịch vụ và khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, gián đoạn trong hoạt động du lịch sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế Hy Lạp. Thực tế này được ghi nhận trong các dự báo kinh tế gần đây của cả bộ Tài chính Hy Lạp (MinFin) và Ủy ban châu Âu (EC). Chẳng hạn, MinFin đã giả định tốc độ phục hồi doanh thu du lịch chậm lại vào tháng 7/2020, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 4,7% trong năm 2020. Phía Bộ Tài chính ước tính suy thoái 7,9% đối với các kịch bản tiêu cực sau khi nới lỏng hạn chế đi lại. Mặt khác, dự báo của EC kém lạc quan hơn với 9,7%. 

Một cặp đôi đến thăm Acropolis ở Athens, Greece
Một cặp đôi đến thăm Acropolis ở Athens, Greece. (Ảnh: National geographics) 

Sau một năm đầy sóng gió, ngành du lịch của Hy Lạp không chỉ thành công vượt “bão” Covid mà còn đạt thành tích rực rỡ trong năm 2021. Những ngày này, chính phủ đã khởi động chương trình du lịch mùa đông trong bối cảnh doanh thu toàn ngành mang lại cho đất nước hơn 10 tỷ euro, cao hơn khoảng 4 tỷ so với dự kiến ban đầu. Chia sẻ tin mừng trong cuộc phỏng vấn với France 24, bộ trưởng Bộ Du lịch, ông Vassilis Kikilias nhấn mạnh rằng, du lịch là “đầu tàu” của nền kinh tế: “Chúng tôi dự kiến doanh thu từ du lịch rơi vào quãng 5 đến 6 tỷ euro và kết quả như bạn thấy đó, ngành này đã vượt chỉ tiêu với tổng hơn 10 tỷ. Năm 2021 vẫn chưa kết thúc nhưng chúng tôi đã ghi nhận lượng lớn du khách đến thăm Athens, Crete, Rhodes. Hy Lạp sẵn sàng ‘chiến đấu’ cho mùa du lịch đông năm nay”.

Một phần thành công khác đến từ khả năng tự chủ của đất nước và giảm thiểu sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn du khách nước ngoài. Trên thực tế, các quần đảo nổi tiếng như Santorini, Mykonos và Rhodes chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do vắng bóng khác quốc tế, ngược lại, những vùng hẻo lánh hơn như Ikaria vẫn có thể đứng vững nhờ khách nội địa. Isidoros Plytas là nhà đồng sáng lập kiêm chủ sở hữu cơ sở dạy lướt sóng Ikaria cho hay: “Chúng tôi không phụ thuộc vào du lịch đại chúng cũng như khách nước ngoài. Trong năm nay, ngày càng nhiều người dân lựa chọn khám phá nội địa, nhờ vậy mà chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều”. Đáng chú ý, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ như thể thao ngoài trời được hưởng lợi từ cuộc suy thoái sức khỏe và hệ thống y tế chưa từng có. Như Plytas giải thích rằng rất nhiều người Hy Lạp hướng về thiên nhiên và thể thao trong thời gian toàn quốc đóng cửa: “Những năm trước đây, hầu hết người dân trong nước chỉ đến Ikaria để tham gia các lễ hội mùa hè còn năm nay, họ muốn khám phá các hoạt động thay thế bao gồm cả nấu ăn, thưởng rượu,... để thỏa trí khám phá".

Tích cực hơn nữa, đại dịch kéo dài cũng là cơ hội để Hy Lạp nhìn lại và đổi mới cách thức hoạt động du lịch trở nên bền vững hơn và ít bị chi phối bởi chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng. Theo Ermogenis, người đứng sau chiến dịch Save Oia nhằm thúc đẩy trải nghiệm du lịch có trách nhiệm hơn trên Santorini chỉ ra một số khía cạnh đáng suy ngẫm. Ông nói: “Một là môi trường tự nhiên đang xuống cấp và thách thức khác là trải nghiệm của khách du lịch cũng theo đó bị ảnh hưởng”. Lượng khách du lịch đổ bộ đến Santorini trước khi đại dịch ập đến nhiều đến mức nhiều người lo ngại rằng cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái của hòn đảo sẽ không thể đáp ứng lâu hơn được nữa. Và đây sẽ là những điều Hy Lạp cần thay đổi nếu tiếp tục dựa vào du lịch như một nguồn thu nhập hàng đầu.

TL