Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã thông báo về việc cấp thị thực E-9 cho người lao động nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc để làm các công việc chân tay giản đơn không yêu cầu chuyên môn.
Theo thông tin từ ngành đóng tàu Hàn Quốc, dự kiến sẽ thiếu tới 14.000 lao động cuối năm 2023 do lĩnh vực này đang phục hồi mạnh mẽ và nhiều đơn hàng lớn được Hàn Quốc trúng thầu.
Vào đầu năm nay, Bộ Lao động Hàn Quốc đã triển khai chương trình đào tạo nghề thử nghiệm cho những người có thị thực E-9 đang làm việc trong ngành đóng tàu, nhằm cải thiện kỹ năng làm việc và giúp họ dễ dàng thích ứng với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc.
Dự kiến, vào cuối năm nay, khoảng 500 - 600 lao động nước ngoài sẽ hoàn thành khóa đào tạo chuyên ngành tại sáu công ty đóng tàu lớn của Hàn Quốc, bao gồm Hyundai Samho Heavy Industries, HD Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries, Hyundai Mipo Dockyard, Hanwha Ocean và Daehan Shipbuilding.
Bộ Lao động cũng cho biết kế hoạch mở rộng chương trình đào tạo nghề sang các ngành công nghiệp cốt lõi khác và dự kiến số người được đào tạo sẽ tăng lên 4.000 trong năm 2024.
Trong một chuyến thăm công ty Hyundai Samho Heavy Industries, Thứ trưởng Bộ Lao động Lee Sung-hee đã công bố kế hoạch mở rộng số lượng các quốc gia phái cử lao động đã qua đào tạo và ngôn ngữ có thị thực E-9 từ 3 lên 7 nước trong vòng 3 tháng tới. Đồng thời, Bộ cũng dự định sớm công bố số lượng lao động được phép tuyển dụng diện thị thực E-9 trong ngành đóng tàu trong năm 2024, sớm hơn dự kiến ban đầu.
Tính đến đầu tháng 6/2023, có gần 49.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này, với thu nhập bình quân từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua.
Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động.
Những năm gần đây, do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản đánh bắt cá, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà.
Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài như tăng hạn ngạch theo Chương trình EPS, kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nông nghiệp thời vụ, mở rộng tiếp nhận nhân lực trong ngành đóng tàu với các điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
PV (t/h)