Hai tỷ phú công nghệ đối lập quan điểm về Covid-19

00:00 12/10/2020

Quan điểm trái ngược về biện pháp phong toả trong đại dịch của Mark Zuckerberg và Elon Musk tạo ra nhiều tranh cãi từ phía công chúng và khách hàng.

"Đúng là phát-xít", Elon Musk nói với các chuyên gia phân tích trong buổi báo cáo tài chính của Tesla hôm 29/4. Ông cho rằng các biện pháp buộc người dân phải ở trong nhà giữa dịch Covid-19 là "không dân chủ".

"Tôi coi hành động đó chẳng khác nào giam lỏng người dân tại chính ngôi nhà của họ, bất chấp hiến pháp và phá vỡ quyền tự do của con người theo cách thật kinh khủng và sai trái. Xin lỗi, cái quái gì vậy", tỷ phú công nghệ nói.

Các nhà phân tích đã quá quen với những lần cáu giận từ nhà sáng lập Tesla, người không bao giờ sợ "sảy miệng" hay đưa ra những quan điểm gây tranh cãi. Sau buổi họp, Elon Musk còn củng cố cho quan điểm bằng cách viết lên Twitter: "Hãy giải phóng nước Mỹ ngay".

Dan Ives, chuyên gia từ công ty phân tích Wedbush, cho biết: "Ông ấy không phải kiểu người chần chừ. Elon muốn thể hiện quan điểm cá nhân về việc phong toả một cách rõ ràng và rành mạch".

Ở mức độ nào đó, quan điểm của Elon Musk có thể đồng cảm được. Không giống nhiều công ty công nghệ Mỹ khác, chính sách phong toả nền kinh tế và ngăn người dân đi làm ảnh hưởng tiêu cực đến Tesla - một hãng sản xuất xe hơi với các mục tiêu đầy tham vọng nhưng lại có chuỗi cung ứng phức tạp và mong manh. "Ngày nào không sản xuất được chiếc xe nào để bán là ngày đó coi như đem tiền đi đốt đối với Tesla", chuyên gia cho biết.

Elon Musk (trái) và Mark Zuckerberg nhiều lần có quan điểm đối lập nhau. Ảnh: TheWrap.

Elon Musk (trái) và Mark Zuckerberg nhiều lần có quan điểm đối lập nhau. Ảnh: TheWrap.

Trong khi đó, Facebook lại ở tình thế hoàn toàn khác biệt. Theo Ives, lệnh phong toả được ban hành đồng nghĩa có nhiều người dân ở trong nhà sử dụng mạng xã hội hơn. Do đó, người đứng đầu "hãng khổng lồ công nghệ" bày tỏ thái độ khác hẳn với các nhà phân tích trong buổi báo cáo tài chính mới đây.

"Tôi e ngại việc mở cửa quá sớm sẽ khiến sự bùng phát của dịch bệnh trong tương lai, kéo theo những hậu quả tai hại hơn về y tế lẫn kinh tế", Zuckerberg nói với các nhà đầu tư. "Các lệnh giãn cách và việc tuân thủ của người dân là yếu tố quyết định nền kinh tế sẽ bị tổn hại trong bao lâu và ở mức độ như thế nào trong tương lai".

Hai người đứng đầu Tesla và Facebook trái ngược bởi khả năng trụ vững của công ty họ trước lệnh phong toả thời Covid-19 có sự khác biệt. Bên cạnh đó, sự bất đồng quan điểm còn thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa Elon Musk với Mark Zuckerberg, cũng như cách tiếp cận khác biệt của họ khi kinh doanh tại Thung lũng Silicon.

Đây không phải lần đầu  Elon Musk và Mark Zuckerberg đứng ở hai đầu "chiến tuyến". Năm 2017, hai nhà sáng lập đã công khai bất đồng quan điểm trước câu hỏi liệu robot có trở nên thông minh đến nỗi sẽ biết trừ khử người sáng tạo ra chúng hay không. Cuộc tranh luận công khai trên các mặt báo buộc Elon Musk phải tuyên bố "sẽ nói chuyện với Mark về vấn đề này" và nói thêm sự hiểu biết của mình về chủ đề bị hạn chế.

Musk luôn tìm cách tách biệt bản thân khỏi lối đi của những công ty công nghệ khác ở Thung lũng Silicon. Ông thậm chí còn gọi nơi "đầu não" công nghệ của Mỹ là "Thung lũng giả dối" và nói rằng những người ở đây tự cho mình là "trọng tài về đạo đức của thế giới". Facebook và Mark Zuckerberg bị coi là trung tâm của những lời đả kích từ Elon Musk. Thông qua Facebook, Zuckerberg đưa ra các luật lệ về việc con người được phép chia sẻ những gì lên mạng. Tất cả đều được Zuckerberg bàn bạc kỹ lưỡng với các chính phủ cũng như cơ quan quản lý nhằm đưa ra các tiêu chuẩn công nghiệp có tầm ảnh hưởng rộng lớn.

Elon Musk chọn tiếp cận vấn đề bằng cách đấu tranh. Ông từng công khai tranh luận với Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán của Mỹ để đạt được thứ mình muốn. Một cựu nhân viên của Tesla thậm chí từng nhận xét về Elon rằng ông sinh ra đã hợp "vai phản diện". "Một số trong nhiều vai phản diện ấy đem lại kết quả cực kỳ tốt cho ông ấy", người này nói. Ví dụ, ở Tesla, Elon từng từ chối những ý kiến kinh doanh dễ kiếm lời thông thường để xây dựng công ty sản xuất ôtô điện hàng đầu Mỹ, hay khi làm việc ở SpaceX, ông là người tiên phong tái sử dụng tên lửa.

Có lẽ vậy, khi đối mặt với Covid-19, quan điểm của Musk cũng có phần khác thường. "Việc hoảng loạn trước virus là ngu xuẩn", Elon viết trên Twitter hồi đầu tháng 3. Một tuần sau đó, ông nói trên mạng xã hội rằng: "Có lẽ việc dùng Chloroquine để trị Covid-19 là đáng để thử". Chloroquine là thuốc trị sốt rét và đến nay vẫn chưa được chứng minh là hiệu quả trên nCoV. Gần đây, Elon Musk thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc dỡ bỏ lệnh phong toả. Ông còn công khai kêu gọi người dân toàn bang biểu tình phản đối lệnh cách ly.

Trong khi đó, Zuckerberg lại trái ngược. Nhà sáng lập Facebook được coi là người bí mật và cẩn trọng. Ông cẩn thận với các phát ngôn đến nỗi ngay sau buổi trình diện trước Quốc hội Mỹ năm 2018, một loạt hình chế mang thông điệp "Mark Zuckerberg là robot" đã được tung lên mạng Internet.

Francis Ingham, Tổng giám đốc của công ty xây dựng thương hiệu PRCA, cho rằng cách tiếp cận của Zuckerberg được đánh giá tích cực hơn. "Nó hợp lẽ tự nhiên mà, phải không? Người ta muốn tin rằng những người có ảnh hưởng đang phản ứng một cách bình tĩnh và hợp lý thay vì bị cuốn theo cảm xúc cá nhân".

Theo góc nhìn của "người trong cuộc", Zuckerberg thực sự hiểu được mình có thể giúp gì trong công cuộc phòng chống Covid-19. Y tế là lĩnh vực mà nhà sáng lập Facebook quan tâm sâu sắc. Priscillia Chan, vợ của Mark Zuckerberg, là một bác sĩ nhi khoa và họ đã đề ra kế hoạch tỷ USD nhằm giúp đỡ việc chữa trị bệnh dịch.

Một nguồn tin thân cận với Mark Zuckerberg cho biết: "Thử thách lần này được Mark ưu tiên và coi trọng. Ông ấy rất tôn trọng các nhà khoa học và muốn đem mọi năng lượng của bản thân cũng như biến Facebook trở thành công ty có ích trong suốt thời gian này".

Thực tế, Elon Musk cũng từng ngỏ ý góp sức vào việc phòng chống Covid-19. Ông cam kết gửi hàng nghìn máy thở đến các bệnh viện để giúp đỡ bệnh nhân. Tuy vậy, theo một số báo cáo, các máy thở mà Musk gửi đều thuộc loại không xâm lấn và không thể giúp đỡ những người bệnh nặng nhất.

Trong nhiều năm, Mark Zuckerberg khiến công chúng thận trọng trước cách tiếp cận đầy tính toán trước mọi việc trong khi Elon Musk gây thiện cảm hơn nhờ sự cởi mở, đôi khi là bốc đồng thích chống lại các chuyên gia. Tuy vậy, cục diện giờ đã thay đổi. "Cách công ty phản ứng và giao tiếp trong cuộc khủng hoảng sẽ quyết định đến thái độ của khách hàng đối với họ. Khi một doanh nhân tỷ phú lên án điều gì đó là 'phát-xít'... Tôi không nghĩ họ sẽ được công chúng đón nhận tích cực", Ingham cho biết.

Yến Oanh (theo Telegraph)