Nghệ thuật ngày càng trở nên thú vị hơn đối với các nhà đầu tư. |
Thị trường nghệ thuật vốn nổi tiếng là tinh hoa và khó tiếp cận. Với những người không am hiểu hoặc có ngân sách eo hẹp, nghệ thuật thường không được xem như một khoản đầu tư khả thi. Tuy nhiên, đã có những nỗ lực nhằm dân chủ hóa thị trường này. Theo Magnus Resch, ngày càng có nhiều người tham dự các hội chợ và phòng trưng bày nghệ thuật, nhưng số người mua lại tương đối ít. Là một nhà kinh tế nghệ thuật, giảng viên và tác giả, ông giải thích rằng nguyên nhân của sự chênh lệch này là vì những câu hỏi cơ bản về đầu tư nghệ thuật vẫn chưa được giải đáp. Số lượng tác phẩm lớn và đa dạng khiến người yêu nghệ thuật phân vân, không biết nên mua gì. Đồng thời, sự mơ hồ về giá trị và tiềm năng tăng giá cũng làm cho nhiều người ngần ngại mua sắm.
Giá cả là rào cản lớn
Theo ông Oliver Lähndorf, nhà quản lý văn hóa và giám đốc hội chợ nghệ thuật “Affordable Art Fair”, cho biết giá cả là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận nghệ thuật. Ý tưởng của hội chợ này là giúp mọi người dễ dàng tiếp cận nghệ thuật hơn. Lähndorf cho biết các tác phẩm tại hội chợ có giá dưới 10.000 euro, thậm chí một số dưới 500 euro, và giá cả được công khai, giúp người mới bắt đầu dễ dàng định hướng thị trường.
Nhưng liệu nghệ thuật có giá trị như một khoản đầu tư? Chuyên gia Magnus Resch tỏ ra nghi ngờ: “99% tác phẩm nghệ thuật mà bạn có thể mua hiện nay không phải là một khoản đầu tư tốt,” ông nói. Những người hy vọng vào việc tăng giá trị tài sản nghệ thuật có thể sẽ thất vọng. Tuy nhiên, Resch cho rằng mua nghệ thuật không chỉ là một quyết định tài chính mà còn là một sự đầu tư vào chính các nghệ sĩ. Oliver Lähndorf khuyến khích nhìn nhận nghệ thuật không chỉ như một khoản đầu tư, mà còn như một niềm vui. Ông nhấn mạnh: “Ai muốn mua nghệ thuật để đầu tư nên nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên mù quáng.” Ngay cả những nghệ sĩ giỏi nhất cũng không thể đảm bảo lợi nhuận cố định. “Nếu giá trị của tác phẩm tăng lên theo thời gian, đó là một phần thưởng tuyệt vời – nhưng không phải là mục tiêu chính của việc mua sắm.” Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật thuộc phân khúc giá thấp thường khó bán lại.
Để tự tin bước vào thị trường nghệ thuật mà không cần nhiều kiến thức chuyên sâu, Resch khuyên: “Hãy xem càng nhiều tác phẩm nghệ thuật càng tốt.” Những chuyến thăm thường xuyên đến các phòng trưng bày, bảo tàng và triển lãm sẽ giúp người yêu nghệ thuật nhận ra sở thích của mình. Ông gợi ý rằng lần mua đầu tiên không nên quá đắt: “Hãy mua tác phẩm đầu tiên của bạn với giá dưới 1.000 euro.”
Điều gì tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tốt?
Nghiên cứu kéo dài sáu năm của Resch với hơn nửa triệu nghệ sĩ cho thấy rằng thành công tài chính không đến từ bản thân tác phẩm mà từ việc chọn đúng phòng trưng bày và người bảo trợ. Ông nhấn mạnh: “Thành công của nghệ sĩ phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới mà họ tham gia hơn là chính tác phẩm của họ.” Những gì được coi là nghệ thuật đỉnh cao trong bảo tàng và bộ sưu tập thường là kết quả của các mối quan hệ ảnh hưởng. Tuy nhiên, quá trình số hóa đã mang lại những phương thức kết nối mới.
Mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn hệ thống kết nối này và cả thị trường nghệ thuật. Giờ đây, các nghệ sĩ có thể dễ dàng kết nối với nhau và trực tiếp tiếp cận khán giả của mình. Khả năng tự tiếp thị giúp nghệ sĩ không còn phải phụ thuộc vào các phòng trưng bày, những nơi từng là “người gác cổng” cho các tác phẩm. Giờ đây, việc tham gia vào thế giới nghệ thuật có thể thành công mà không cần phải có sự giàu có hay kiến thức chuyên sâu, khi mà thị trường nghệ thuật ngày càng được dân chủ hóa. Tuy nhiên, coi nghệ thuật là một khoản đầu tư vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là ở phân khúc giá thấp.