Trong chương trình Work Life with Adam Grant của nhà tâm lý học Adam Grant (Mỹ) được tổ chức vào tháng 6/2024, tỷ phú người Anh Richard Branson đã kể về "sai lầm đáng nhớ nhất sự nghiệp" của mình và bài học thấm thía mà ông rút ra từ sự kiện đó. Ông nhận ra rằng, việc "luôn coi mình ở thế yếu sẽ mang lại lợi ích không thể tưởng tượng".
Richard Branson chia sẻ rằng, mọi người thường có xu hướng đồng cảm với những người gặp khó khăn. Ông nói: "Bạn không cần lúc nào cũng phải là người biết tuốt và luôn thành công. Đôi khi, việc chấp nhận và học hỏi từ những thất bại sẽ giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân hơn". Bài học này được Richard rút ra từ một thất bại trong kinh doanh mà ông mô tả là "cuộc thử nghiệm phản tác dụng một cách tồi tệ".
Năm 1994, Virgin Group - tập đoàn do Richard sáng lập đã ra mắt thương hiệu nước có ga Virgin Cola, nhưng không đạt được thành công như mong đợi. Sự thất bại này đã giúp Richard nhận ra những hạn chế và rủi ro trong chiến lược kinh doanh của mình, đồng thời học được cách chấp nhận và tận dụng điểm yếu để tạo ra những cơ hội mới.
Theo lời kể của Richard trên NPR vào năm 2017, sau thành công ban đầu tại Anh, Richard quyết định mở rộng công ty sang thị trường Mỹ, đối đầu với hai gã khổng lồ CocaCola và Pepsi. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Virgin Cola bắt đầu biến mất khỏi các kệ hàng. Richard cho rằng, lý do chính là CocaCola đã đưa ra những đề nghị hấp dẫn đến mức "các hãng bán lẻ không thể từ chối".
Vào thời điểm đó, Virgin Group là một tập đoàn đa ngành lớn, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, xuất bản sách, video game và hàng không. Mặc dù thành công ở từng lĩnh vực không đồng đều, tập đoàn đã giúp Richard trở thành tỷ phú. Ở tuổi 23, ông đã kiếm được 1 triệu USD; đến nay, khối tài sản của ông chạm mốc 2,6 tỷ USD.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc coi mình là "người ở thế yếu" có thể mang lại lợi ích. Tâm lý này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách Richard lựa chọn lĩnh vực kinh doanh mới. Thay vì chỉ tập trung vào thị phần và lợi nhuận, ông luôn tự đặt ra cho mình 2 câu hỏi: "Sản phẩm này có vượt trội hơn những gì hiện có không?" và "Liệu nó có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho thế giới không?".
Khôi Nguyên (t/h)