![]() |
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu |
Phát biểu tại Hội thảo, Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và sâu sắc bởi cách mạng công nghệ, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đất nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi cần một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm.
Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành “Bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết đột phá: Nghị quyết số 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, hoàn thiện thể chế được xem là chìa khóa đột phá giúp mở đường cho đầu tư, kinh doanh, hội nhập và phát triển bền vững.
Hải Phòng tiên phong triển khai, vươn mình mạnh mẽ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thành phố Hải Phòng đã khẩn trương rà soát thể chế, cải cách mạnh mẽ bộ máy, phân cấp, phân quyền nhằm nâng cao hiệu quả quản trị. Bước ngoặt lớn đánh dấu bằng Nghị quyết số 226/2025/QH15 – được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2025, cho phép thành phố áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới – một mô hình đầy triển vọng cho tương lai phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố đã đạt nhiều kết quả nổi bật: GRDP đạt gần 210.000 tỷ đồng, tăng 11,01%; Thu ngân sách vượt 100.000 tỷ đồng, tăng 37,7%; Đứng thứ 3 cả nước về quy mô kinh tế; Thu hút đầu tư trong nước tăng hơn 12 lần.
![]() |
Ảnh toàn cảnh |
Về hạ tầng, thành phố đã thành lập thêm 8 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp; mở rộng cảng Lạch Huyện, sân bay Cát Bi; chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đặc biệt, việc hình thành Khu kinh tế ven biển phía Nam và đề xuất Khu kinh tế chuyên biệt sẽ tạo động lực phát triển mới theo hướng hiện đại, dựa trên công nghiệp công nghệ cao, logistics và dịch vụ quốc tế.
Thể chế pháp luật – nền tảng phát triển bền vững
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, bao gồm tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ giữa các quy định – vốn được xem là “điểm nghẽn” lớn cản trở sự phát triển.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 206/2025/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2025, đã bước đầu tạo đột phá về xử lý vướng mắc pháp lý. Nghị quyết cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, linh hoạt, xử lý nhanh những vấn đề cấp bách, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo thành phố khẳng định: Hội thảo lần này là dịp quan trọng để Hải Phòng tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành trung ương, từ đó điều chỉnh chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển. Việc tạo ra một thể chế pháp lý thông thoáng không chỉ giúp bộ máy vận hành hiệu quả hơn, mà còn mở rộng không gian phát triển cho kinh tế, đầu tư, đổi mới sáng tạo.
Với sự đồng thuận cao của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, Hải Phòng đang khẳng định vị thế mới – không chỉ là trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc mà còn là địa phương tiên phong trong cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng hiện đại.
Hội thảo khép lại với kỳ vọng lớn: những kiến nghị, đề xuất từ đây sẽ tiếp tục là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách pháp luật sát thực tiễn, hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương, đặc biệt là các đô thị động lực như Hải Phòng, phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.