Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật; thanh tra kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các hoạt động chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm quy định tại các văn bản hiện hành. Các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia, hương liệu, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm.
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là cơ sở kinh doanh bánh Trung thu tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu phải đảm bảo nơi trưng bày, kinh doanh và bảo quản bánh nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, không để cùng các hàng hóa khác. Tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đối với người tiêu dùng phổ biến tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm.
UBND TP Hà Nội yêu cầu, các sở, ban, ngành chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh Trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh Trung thu, nhân bánh Trung thu, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh Trung thu...
Các quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 tại các xã, phường, thị trấn. Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn đã kiểm tra. Đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 tại địa phương và kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
UBND TP Hà Nội dự kiến, thời gian triển khai từ ngày 28/8 đến ngày 5/10, trên phạm vi 30 quận, huyện, thị xã.
Trước đó, ngày 21/8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ trên 4.500 chiếc bánh trung thu không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi là hàng nhập lậu.
Theo đó, ngày 21/8, Đội QLTT số 22 - Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an Quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh hàng hóa có địa chỉ tại K29, số 9 đường Thụy Phương, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện tại địa điểm đang kinh doanh 4.608 chiếc bánh trung thu bibizan, 310 chiếc quần lót Charm, 11 chiếc máy hút bụi cầm tay. Đáng chú ý, toàn bộ hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, tuy nhiên không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hoá. Hiện Đội QLTT số 22 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
P.V(T/h)