Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hà Nam và Thừa Thiên Huế đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền số, cụ thể là đã xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông đồng bộ, Thừa Thiên Huế đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ đô thị thông minh. Tỉnh đã xây dựng và triển khai các ứng dụng từ tỉnh đến xã như các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng. Thực tiễn vận hành các dịch vụ đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền. Đặc biệt, tại Thừa Thiên Huế có Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều ứng dụng thông minh và hoạt động rất hiệu quả. Nhất là ứng dụng Hue - S của Trung tâm đã phát huy tác dụng rất rõ rệt.
Cụ thể, tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Đã thực hiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế… Triển khai cung cấp DVC trực tuyến trên ứng dụng công dân số (Hue-S) phục vụ công dân, doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến, ký số thành phần đính kèm và thanh toán trực tuyến, quản lý hồ sơ đã đăng ký Hue-S. Hoàn thành xây dựng Kho hồ sơ điện tử cá nhân, tổ chức và kết nối với Kho dữ liệu điện tử Cổng DVC quốc gia để tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC, hồ sơ đã số hóa.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4/2024. Từ ngày 1/6/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kích hoạt kịch bản chuyển đổi toàn bộ tài khoản của công chức, viên chức, người dân qua phương thức xác thực thống nhất bằng định danh điện tử VNeID nhằm phục vụ giao dịch thủ tục hành chính, triển khai các nền tảng số phục vụ ngưới dân, doanh nghiệp cũng như các hoạt động chính quyền số của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành cơ bản đầy đủ các chính sách, quy định cho chuyển đổi số. Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được phát triển đồng bộ. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G; Viettel Hà Nam đang triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân. Công tác đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số được quan tâm… Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) đang kết nối trực tuyến với 10 hệ thống của tỉnh; đã kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hà Nam là 1 trong 9 tỉnh hoàn thành kết nối, đang triển khai kiểm thử cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID)…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đánh giá cao những thành tựu của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được, đặc biệt là những kết quả trong công tác triển khai ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển vượt bậc, cải thiện các chỉ số trong chỉ đạo, điều hành. Qua đó, với những kết quả đạt được trong chuyển đổi số đã tạo nên một diện mạo mới, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh…đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác triển khai chuyển đổi số sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Hà Nam tiếp thu, trao đổi kinh nghiệm góp phần trong triển khai thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng hy vọng với những thành quả đạt được, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
T/H