Ngân hàng "căng mình" bơm vốn, tín dụng vượt huy động 1 triệu tỷ Tín dụng chính sách Hà Nội được bơm thêm 6.000 tỷ |
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2025 đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là từ chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể khiến xuất khẩu suy giảm, Việt Nam đang chuyển hướng mạnh sang động lực tăng trưởng từ nội địa. Một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, với sự hỗ trợ lớn từ hệ thống ngân hàng.
![]() |
Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng và công nghệ số. |
Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng gói tín dụng ưu đãi quy mô lên tới 500.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số – hai lĩnh vực then chốt trong chiến lược tăng trưởng dài hạn.
Trước đây, tín dụng hạ tầng thường bị coi là rủi ro cao do thời gian hoàn vốn dài, không hấp dẫn các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, xu thế đang thay đổi. Chính phủ hiện xác định đầu tư công vào hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, đồng thời rút ngắn thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh hơn.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI Research, tăng trưởng tín dụng năm 2025 vẫn có khả năng đạt mục tiêu trên 16% nhờ lực đẩy từ nội địa, trong đó đầu tư hạ tầng là “bệ phóng” quan trọng. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng – Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định, hạ tầng không chỉ giúp kích cầu ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
![]() |
Ông Nguyễn Bá Hùng – Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam. |
Ngay từ đầu năm, dòng vốn tín dụng đã bắt đầu chảy mạnh vào các dự án trọng điểm. Vietcombank tài trợ cho đường dây truyền tải điện Lào Cai – Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, sân bay Long Thành. VIB đồng hành cùng nhiều dự án BOT, đặc biệt là đường dây 500kV Bắc – Nam. TPBank cũng nổi bật với gói tài trợ 2.500 tỷ đồng cho cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và gần 7.900 tỷ đồng cho các dự án BOT giao thông tại Thái Bình, Nam Định, Long An.
Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự đồng thuận giữa hệ thống ngân hàng và định hướng phát triển của Chính phủ.
Dù quyết tâm lớn, nhiều ngân hàng vẫn bày tỏ lo ngại về cơ chế triển khai gói tín dụng. Do vốn ngắn hạn chiếm tới 80-90% tổng huy động, trong khi cho vay hạ tầng là vốn dài hạn, rủi ro mất cân đối rất lớn.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank, đề xuất NHNN cần xem xét miễn áp dụng room tín dụng cho các khoản vay BOT. Trong khi đó, ông Lê Quang Vinh, Tổng giám đốc Vietcombank, đề xuất cơ chế “góp vốn – chia sẻ lợi ích” thay vì chỉ cho vay truyền thống, nhằm tăng tính bền vững và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần minh bạch hóa cơ chế cho vay, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan để tránh tình trạng ngân hàng e ngại rủi ro, dẫn đến dòng vốn bị ách tắc.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân, nhưng sẽ không hạ chuẩn tín dụng. Các khoản vay từ gói 500.000 tỷ đồng phải đảm bảo điều kiện tín dụng chặt chẽ, được hỗ trợ về lãi suất và thời hạn, tạo ra nguồn lực thực sự hiệu quả cho nền kinh tế.
Việc triển khai thành công gói tín dụng này sẽ không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn tạm thời do xuất khẩu sụt giảm, mà còn tạo nền móng vững chắc cho các mục tiêu phát triển dài hạn – nhất là tăng trưởng GDP 2025 từ 8% trở lên.
Trong bối cảnh “nội lực” được đặt lên hàng đầu, đầu tư vào hạ tầng chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam.