Công ty CP Gỗ An Cường (ACG/HoSE) ngày 24/4 vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, ghi nhận doanh thu giảm 20,6% so với cùng kỳ về còn 680 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm hơn 24% xuống còn 191 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của ACG đạt 40,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện của quý I/2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên 16,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 27,6% và 15,8% lên 136,2 và 36,5 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, An Cường ghi nhận lợi nhuận sau thuế 36,3 tỷ đồng, giảm gần 70% so với quý I/2022. Trong văn bản giải trình biến động lợi nhuận, An Cường cho biết lợi nhuận của công ty giảm mạnh chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu và chi phí bán hàng tăng do công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 26/4 tới đây, An Cường đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 668 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11,7% và 8,6% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, ACG mới chỉ hoàn thành 13,6% kế hoạch doanh thu và 5,4% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2023.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của của Gỗ An Cường giảm 3,7% so với đầu năm về còn 5.265 tỷ đồng. Trong đó, 3.739 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, bao gồm 32 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 1.228 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn; 630 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng (110 tỷ đồng của CTCP Thương mại và Xuất nhập khẩu Ái Linh, 74,4 tỷ đồng CTCP Nội thất Hưng Thịnh, 7,5 tỷ đồng các bên liên quan và 438 tỷ đồng các bên khác)…
Tại cuối quý I/2023, hàng tồn kho của công ty tăng hơn 5% lên 1.546,5 tỷ đồng, phần lớn tới từ 739,4 tỷ đồng nguyên vật liệu, 312,9 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, 275 tỷ đồng thành phẩm và 212,8 tỷ đồng hàng hóa.
Năm 2022, là năm thăng hoa của Gỗ An Cường khi ghi nhận doanh thu đạt 4.475 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 615 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Trong bối cảnh khó khăn, Gỗ An Cường đã thực chiến lược chủ động giảm phụ thuộc vào nhóm khách hàng là những đơn vị phát triển bất động sản, đồng thời đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng cuối.
Cụ thể, Gỗ An Cường đã chủ động giảm tỷ trọng doanh thu từ các dự án bất động sản từ mức 30% - 40% giai đoạn 2019 – 2022 về mức 20% trong năm 2021 và trong năm 2022 chỉ còn hơn 10%.
Năm 2023, Gỗ An Cường tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận bất chấp những lo ngại về một năm nhiều khó khăn và thử thách. Là doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ Việt Nam, Gỗ An Cường chính thức giao dịch 135,8 triệu cổ phiếu ACG trên HoSE lần đầu tiên vào ngày 10/10/2022.
P.V (t/h)