Trên thực tế, những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” thu phí điện tử không dừng đã được chỉ rõ. Tuy vậy, để hệ thống dịch vụ thu phí thông suốt, thuận tiện, đúng như mong muốn của các đại biểu Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và cam kết thực thi mạnh mẽ của Bộ GTVT, trên cơ sở vận hành của các cơ quan, đơn vị chức năng và doanh nghiệp liên quan, thì phải làm rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của 5 nhà. Đó là: Nhà quản lý, Nhà đầu tư BOT, Nhà cung cấp dịch vụ, Nhà tín dụng và Nhà xe. Khi đó, chủ trương thu phí điện tử không dừng mới hoàn thành và đạt mục tiêu giao thông nhanh chóng, thuận tiện, đồng bộ, thông suốt và hiệu quả.
Cần khẳng định, vấn đề tìm giải pháp để giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng là trách nhiệm của cơ quan quản lý và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Rõ ràng, không thể để tình trạng khó khăn, tồn tại của một vài doanh nghiệp, làm ảnh hưởng chung tới tiến độ thu phí ETC. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ ngay khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành. Ngày 8/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có Văn bản số 2173, yêu cầu Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải hoàn thành việc lắp đặt tháng 6/2022, chấm dứt tình trạng chậm trễ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng của dịch vụ.
“Trong tháng 4 phát hành hồ sơ mời thầu và trong tháng 6 thì phải được xác định nhà thầu và tiếp tục lắp đặt dịch vụ này để thu phí. Thực hiện theo quyết định 19 phần của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Thủ tướng đã giao cho Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước xác định nguồn vốn để thực hiện. Vừa rồi chúng tôi cũng đã xác định nguồn vốn. Trong thời gian tháng 4 đã lựa chọn nhà thầu. Trong 60 đến 90 ngày tiếp theo là lắp đặt xong và đưa vào vận hành chính thức”, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC cam kết.
Hệ thống thu phí điện tử không dừng, tới nay có sự tham gia của 2 nhà cung cấp dịch vụ. Theo yêu cầu của Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam cần phối hợp với các doanh nghiệp, khẩn trương rà soát quy trình phối hợp, dán thẻ, kết nối, vận hành 2 hệ thống này. Đồng thời, nhiệm vụ của Tổng cục là giám sát chặt chẽ quá trình triển khai nhiệm vụ này của 2 doanh nghiệp (VETC và VDTC).
“Dự kiến triển khai bắt đầu từ đầu tháng 6 rồi sẽ tổng kết đánh giá về công tác thí điểm này. Muốn đạt kết quả thì cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan nhà nước thẩm quyền cũng như tuyên truyền từ các cơ quan nhà nước thẩm quyền cũng như các nhà cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Thứ hai, là sự phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ như VETC, VDTC để cùng thực hiện”, bà Bùi Thị Quỳnh, PGĐ Công ty Khai thác dịch vụ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nêu thực tế.
Hạ tầng đồng bộ, công nghệ liên thông, thì tiện ích thanh toán cần song hành. Vì vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ của hệ thống ngân hàng – các nhà cung cấp tín dụng (cho dự án BOT, cho dịch vụ ETC) cũng cần được chỉ rõ. Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nêu quan điểm: Giải pháp chúng ta có rồi, vấn đề là cần quyết liệt thực hiện, nhất là về công nghệ thanh toán.
“Còn chi tiết, khúc mắc là người dân mở tài khoản giao thông. Tài khoản này phải liên thông với nhau. Vì hàng triệu xe tiền nằm đó là ngân hàng được hưởng lợi. Do đó, làm sao tài khoản giao thông phải liên thông với tài khoản cá nhân và doanh nghiệp. Như vậy người dân sẽ đồng tình ngay”, ông Thanh đề xuất.
Sự cố đứt cáp quang đáng tiếc như hôm 24/4 vừa qua tại tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là bài “tập rượt” quý giá để Nhà đầu tư BOT và Nhà cung cấp dịch vụ chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án thu phí điện tử tiên tiến, nhất là phương án triển khai thí điểm thu phí thuần ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ ngày 1/6 tới. Ở góc độ người cung cấp dịch vụ này, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ hoàn thành với tinh thần và thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
“Hiện nay, cụ thể các con số chi tiết có chuyển biến theo hướng tích cực ngay sau khi nhận được ghi nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp dự án đã đi liên hệ với các UBND các tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, hầu như 63/63 tỉnh, thành đã có công điện văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, xe công cũng như các xe tư nhân là cán bộ, công chức nên thực hiện chủ trương dán thẻ. Khi lưu thông qua các trạm thu phí trên toàn quốc, chúng tôi đã phối hợp được với các Sở Giao thông các tỉnh cũng như các sở, ban, ngành để tập hợp các phương tiện và triển khai cung cấp dịch vụ cho các đơn vị”, ông Trình nói.
Về tiến độ dán thẻ, hiện có gần 2,6 triệu thẻ phương tiện, đạt 57% tổng số phương tiện. Trong số này, địa phương có tỷ lệ dán thẻ cao nhất là tỉnh Đắc Nông, đạt gần 105%, Bà Rịa – Vũng Tàu có tỷ lệ dán thẻ thấp nhất, đạt 27,18%. Như vậy, còn lại khoảng hơn 2,3 triệu xe ô tô cần dán thẻ (trong số khoảng 5 triệu xe hiện có trên toàn quốc) để sử dụng dịch vụ ETC. Đây là nhiệm vụ nước rút rất quan trọng và đầy khó khăn. Nhất là tháng 6 tới, thực hiện thí điểm chỉ thu phí điện tử trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
“Chúng tôi chỉ đạo các nhà cung cấp tăng cường công tác giảm thể mở tài khoản cho các chủ phương tiện thường xuyên đi đến tuyến này. Chỉ đạo đơn vị vận hành phải rà soát lại tổ chức giao thông để bố trí tổ chức giao thông thân thu phí điện tử không dừng và có các giải pháp cảnh báo từ xa, để tránh các trường hợp xe đi vào trạm người không đủ điều kiện; Phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị vận hành rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị trên tuyến để xử lý các lỗi kỹ thuật khi áp dụng thu phí điện tử không dừng”, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục đường bộ Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm.
Giải pháp phối hợp hướng dẫn, giám sát và tuyên truyền để người dân lựa chọn làn thu phí ETC khi qua cao tốc được tập trung thực hiện.
“Chúng ta tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp và tôn trọng quyền của lựa chọn người dân, để thấy đi trên cao tốc thu phí ETC tốt hơn các hình thức khác. Với trách nhiệm là cục CSGT, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, để thu phí thí điểm ETC thực hiện hiệu quả nhất với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và mong đợi của người dân”, đại diện lực lượng cảnh sát giao thông, Trung tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, khẳng định.
Tiếp tục giải bài toán nan giải về tốc độ dán thẻ, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, tiếp tục chỉ đạo điều hành, đôn đốc kiểm tra giám sát để từng bước triển khai thành công chủ trương này theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ, cũng là thể hiện vai trò quản lý điều hành có trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành trong việc hiện thực hóa chủ trương này của Quốc hội, Chính phủ. Đặt ra các giải pháp từ vĩ mô đến vi mô, chiến lược đến chi tiết, thì nay các “điểm nghẽn” trên các tuyến cao tốc chắc chắn được giải quyết, với tư duy và tầm nhìn của nhà quản lý đã dần hiện rõ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tin tưởng rằng, tiến độ lắp đặt và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng sẽ thành công.
“Giải pháp tiếp tục là dán thẻ, tổ chức phân luồng để tạo một hình thức, đồng thời tuyên truyền, vận động dán thẻ. Khi dán thẻ thực hiện rồi sẽ thấy tiện ích quá lớn, không phải chờ đợi qua các trạm thu phí. Không mất thời gian, các trạm thu phí giảm ùn tắc và đi lại chủ động, tiện ích rất thiết thực. Ý nghĩa lớn hơn là giúp cho xã hội trật tự hơn, an toàn hơn, văn minh hơn. Muốn vậy, mỗi người đều phải nỗ lực cố gắng hơn thì sẽ thành công”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong cuộc làm việc với Bộ GTVT mới đây về vướng mắc triển khai thu phí ETC và những bất cập tại một số dự án BOT giao thông, cũng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý; nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
“Bây giờ đến 30/6 mà không có chuyển động để kịp thời triển khai trên hiện trường thì lúc đó sẽ phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo. Vì vậy, phải phấn đấu đêm ngày để làm. Tôi đề nghị Bộ GTVT đôn đốc ráo riết và đề xuất xử lý; Tuyên truyền cho nhân dân biết để vận động nhân dân; Ích nước, lợi dân, các bộ, ngành ủng hộ, Chính phủ ra mệnh lệnh mà không thực hiện được thì rất tiếc. Đến 30/6 tôi xuống kiểm tra mà công việc không chuyển động sẽ kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân tại sao”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ.
Hình ảnh thông thoáng, thuận tiện, không ách tắc tại cửa các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc đầu tư tiến tiến hiện đại của cả nước, như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ ngày 1/6 đang đến gần. Chẳng có lý do gì để chậm trễ, khi các doanh nghiệp mang thương hiệu Việt cùng nhau vào cuộc, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà thu phí điện tử không dừng là một ví dụ.
Sẽ không còn các trạm barie thu phí, chỉ còn lại chuỗi giao thông trên cao tốc văn minh, hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí, tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp. “Đại lộ - Đại phú” là mong muốn và thông điệp chúng ta đang phấn đấu thực hiện, để Việt Nam có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030. Khi ấy – người dân hoàn toàn được trải nghiệm giao thông văn minh, tiên tiến hiện đại trên các tuyến cao tốc của cả nước – kết nối Bắc – Nam – thông thoáng, hiện đại và văn minh, song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
Hà Nho-Trần Lâm-Mạnh Phương/VOV1