Những người trồng mía lên tiếng...
Theo bà Trần Thị Yến (thôn Tân Sơn, xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi đang trồng 60ha mía, tôi muốn nói lên tâm tư của bà con trồng mía. Trước đây, cây mía đã giúp bà con nông dân chúng tôi đổi đời, nhưng từ năm 2016 đến nay, tình trạng đường Thái Lan nhập lậu đã làm giá đường trong nước giảm, các nhà máy buộc phải giảm giá mua mía của người dân. Tính ra, chi phí trồng mía đã mất 800 đồng/ kg, nhưng nhà máy chỉ thu mua với giá 820 đồng/kg, trong khi đó chi phí nhân công, phân bón lại tăng, người làm mía không có lãi nữa. Điều đó khiến người dân phải giảm diện tích trồng mía hoặc trồng cây khác. Nhiều hộ gia đình trồng mía bị thua lỗ kéo dài, phải bỏ xứ đi làm thuê nơi khác...
Vùng đất Sông Hinh có hơn 50% là đồng bào các dân tộc nên khi đất trồng bị bỏ hoang, người dân không có việc làm, dễ sinh ra tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tại địa phương...”. Bà Yến cũng cho biết thêm, chưa bao giờ ra chợ lại thấy chợ Việt Nam mà lại la liệt đường Thái Lan... Bên cạnh đó, bà Trần Thị Yến cũng kiến nghị một số giải pháp như: Nhà nước và các nhà máy thu mua mía với giá tối thiểu là 900 đồng/kg; Hỗ trợ cho người dân trồng mía với mức lãi suất ưu đãi hoặc không tính lãi; Đặc biệt, kiến nghị Nhà nước có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn đường nhập lậu, gian lận đường, bán phá giá làm thao túng thị trường đường Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Thảo (Hộ nông dân trồng mía ở địa bàn tỉnh Kon Tum):
“Tôi sống trên vùng đất Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum là một tỉnh miền núi vùng dân tộc thiểu số. Trước đây, cây mía là cây kinh tế chủ lực, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nhưng khi đường nhập lậu tràn lan và Hiệp định ATIGA được thực thi từ 1/1/2020, chính thức xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN kể từ ngày 01/01/2020, tạo điều kiện thuận lợi để mặt hàng đường tràn vào việt Nam hợp pháp, dẫn đến sản xuất mía đường đã khó khăn ngày càng khó khăn...”
Đại diện cho những người nông dân tỉnh Kon Tum, ông Thảo cũng cho biết người dân trồng mía đang rơi vào cảnh lao đao. Kính mong các Bộ, ban ngành quan tâm hơn nữa về giá mía để người dân trồng mía ổn định cuộc sống và phát triển cây mía. Và cũng giống như nhiều tiếng nói của người dân trồng mía khác, ông Thảo cũng mong muốn Nhà nước có những biện pháp xử phạt mạnh tay để ngăn chặn đường nhập lậu. Đồng thời, đẩy nhanh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường...
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng:
Hiện tại, vùng nguyên liệu sản xuất mía đường Sóc Trăng cũng giảm dần, cụ thể năm 2017 có 8.400ha trồng mía nhưng đến năm 2020, chỉ còn khoảng 2.400 ha mía, dự kiến năm 2021 chỉ còn dưới 2000 ha. Về việc thu mua cũng theo lũy kế giảm dần, như năm 2017, công ty đã thu mua 476.000 tấn, nhưng đến năm 2020, việc thu mua giảm chỉ còn 170.000 tấn.
Ông Hiếu cho biết, nguyên nhân sản lượng giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại, ngoài ra còn do sự biến tướng trong sản xuất.
Bên cạnh đó, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại. Qua đây, ông Hiếu cũng mong muốn Bộ Công Thương cần điều tra và sớm áp dụng biện pháp chống bán phá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh, để tạo điều kiện chúng tôi thu mua giá mía của người dân được cao hơn.
Ông Trần Ngọc Hiếu cũng đồng tình với những kiến nghị của ông Đỗ Văn Thảo (nông dân tỉnh Kon Tum) và bà Trần Thị Yến (Phú Yên). Bên cạnh đó, ông Hiếu mong muốn có những chính sách khuyến nông để hỗ trợ cho cây mía, đặc biệt là giao thông để vận chuyển mía dễ dàng hơn
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ những giải pháp để bảo vệ lợi ích ngành mía đường Việt Nam:
Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, trong 9 tháng đầu năm đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn). Lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). Ngược lại, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia với mục đích bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.
Tính đến tháng 11 năm 2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường...
Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Để có các biện pháp tự vệ thì Chính phủ sẽ có trách nhiệm lên lộ trình cụ thể, nếu tiến hành sẽ thương thảo với các nước đối tác trong ATIGA. Đặc biệt, quan trọng nhất với ngành mía đường Việt Nam, đó là tiến hành các biện pháp điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với mía đường nhập khẩu. Việt Nam chấp nhận hội nhập nhưng cũng yêu cầu các nước trong ATIGA cần chơi đúng luật.
Vì thế, dù có tốn kém, khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Bởi nếu không làm, có lẽ chẳng bao giờ làm được và ngành mía đường sẽ càng khốn đón hơn. Nhân cơ hội này các ban ngành cần thực hiện một cách bài bản, có lộ trình và làm một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, với một góc nhìn khác của người làm khoa học và sinh ra ở “vựa mía” địa bàn tỉnh Tây Ninh, ông Lê Ngọc Tĩnh nhiều năm làm cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam cho biết:
Tôi là người sinh ra và lớn lên nhờ cây mía nên tôi hiểu rất rõ nỗi khổ của bà con nông dân trồng mía. Nhưng khi nghiên cứu về chất lượng ngành mía đường Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận một thực trạng: chất lượng mía đường của chúng ta thấp, thu hoạch mía và kỹ thuật chế biến mía đường còn thô sơ, dẫn đến chất lượng đường của chúng ta thấp. Qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, năng suất và chất lượng mía nguyên liệu của nước ta còn thấp so với khu vực, mới chỉ đạt khoảng 67 đến 68 tấn/ha (bình quân thế giới là 70 đến 72 tấn/ha). Như vậy năng suất mới chỉ đạt khoảng hơn 90% trung bình thế giới; bình quân mía đưa vào ép với chữ đường dao động từ 10 đến 10,5 CCS, trong khi các nước trong khu vực đạt từ 12 đến 14 CCS. Do đó, chúng ta cần cải tiến về kỹ thuật thu hoạch và chế biến mía đường.
Ông Lê Ngọc Tĩnh cũng cho biết thêm, ông vừa hoàn thành xong đề tài máy thu hoạch mía cấp Nhà nước và chuẩn bị đưa vào áp dụng thực tế. Đặc điểm vượt trội của máy thu hoạch mía này là bóc tách cả lớp vỏ mía, giữ nguyên cây, không phải chặt từng như các máy trước đây. Vì khi chặt từng khúc mía thì bắt buộc phải xử lý ngay trong ngày. Nhưng đôi khi, do thời tiết, mưa nắng thất thường, việc xử lý không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu mía.
Như vậy, bên cạnh những biện pháp phòng vệ, ngăn chặn gian lân thương mại, nhập lậu của Bộ Công Thương và các ban ngành chức năng... thì trước mắt, chúng ta cần nâng cao chất lượng mía đường trong nước để giảm áp lực cạnh tranh với các nước đối tác trong ATIGA, để người Việt Nam sẽ dùng đường Việt Nam!
Trang Nhung