Xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến cũng như chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia sẽ góp phần nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến không chỉ mang lại hiệu quả tức thì, mà còn tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đối diện nhiều thách thức
Theo báo cáo Chỉ số GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Việt Nam đạt 38,8 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 42 trên 129 nước; thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia; tăng 3 bậc so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên một trong những rào cản lớn nhất khiến cho năng suất lao động Việt Nam chưa cao, đó chính là chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và trình độ còn quá thấp.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo gửi quốc hội tháng 10/2019, năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines, 68,9% của Brunei. So với Myanmar, Việt Nam chỉ bằng 90% và khá bất ngờ khi chúng ta chỉ bằng 88,7% Lào. Trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia.
Đây là một trong những rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Người lao động cũng sẽ mất đi lợi thế tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Không những thế, bệnh Covid – 19 đang có những tác động nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế đình trệ, doanh nghiệp bị phá sản dẫn đến 1 lực lượng lớn lao động bị mất việc đã tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động. Để giữ được việc làm và tìm được việc làm đòi hỏi lao động phải có kỹ năng nghề ngày càng cao. Đó là thách thức của lao động Việt Nam nói riêng và của lao động trong khu vực ASEAN nói chung.
Chuẩn hóa lao động
Hiện nay, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%. Cụ thể, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%, cao đẳng chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp là trên 3,08%. Điều đó đồng nghĩa với việc còn đến 77,63% lao động chưa qua đào tạo (chưa có văn bằng, chứng chỉ), chưa được công nhận trình độ. Nếu không có giải pháp, công cụ hữu hiệu làm giảm nhanh số liệu về tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo xuống sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH): Trong số 77,63% người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ thì vẫn có một lực lượng lớn đang có việc làm. Chẳng hạn đó là những nghệ nhân, thợ mộc, thợ xây, sơn mài, khắc đá… Họ vẫn là những người tạo ra năng suất, có kỹ năng, có kinh nghiệm làm việc dù chưa được đào tạo qua trường lớp, chỉ là chưa kịp chuẩn hóa được ở hầu hết các nghề và hiện còn thiếu công cụ để đánh giá, công nhận trình độ của họ. Trong khi các nước phát triển chuẩn hóa bằng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề hay chuẩn năng lực quốc gia để cho doanh nghiệp cũng có thể tự đào tạo, người lao động tự học, tự rèn luyện theo bộ tiêu chuẩn đó và thực hiện công nhận trình độ kỹ năng, năng lực hành nghề theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.
Được biết, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, công bố được 193 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 193 nghề và hiện đang tiếp tục xây dựng, công bố cho các nghề còn lại theo danh mục nghề nghiệp. Ngoài ra, để tiến tới việc chuẩn hóa kỹ năng người lao động, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã ban hành dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Chúng tôi mong muốn lao động Việt Nam dần được chuẩn hóa và muốn doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng nên nhắm tới lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng. Như vậy mới làm tăng chất lượng, năng suất lao động và thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Ly Nguyễn