Gia vị Việt Nam và bài toán xuất khẩu vào các thị trường khó tính

15:37 23/12/2022

Ngành hàng gia vị Việt Nam có quy mô thị trường khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, gia vị của Việt Nam đã xuất khẩu vào được các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản… Để vào được các thị trường này, mỗi sản phẩm đòi hỏi phải tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt. Vậy, làm sao để gia vị Việt xuất khẩu vào được các thị trường lớn, vừa qua, phóng viên đã có dịp trao đổi với lãnh đạo của đơn vị chuyên sản xuất gia vị xuất khẩu về vấn đề này.

Ảnh minh họa
Một trong số những gia vị Việt được ưa chuộng. 

PV:  Xin ông chia sẻ thông tin về thị phần của gia vị Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á hay châu Âu. Được biết Việt Nam cũng đã xuất khẩu gia vị qua Nhật Bản. Từ đó, cho thấy chúng ta cũng có khả năng vào các thị trường khó tính. Vậy theo ông, làm sao để chúng ta có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình qua những thị trường khó tính như vậy? Những thị trường này có tiêu chí như thế nào?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Gia vị Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào được nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trong đó, ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam hiện chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của châu Âu. Những thị trường được xem là khó tính, điều kiện đầu tiên của họ là các sản phẩm phải sạch, nguyên liệu sạch, chế biến cũng phải sạch.

Tôi có 30 năm sống ở bên châu Âu nên khi khởi nghiệp thì cũng hướng tới làm những sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn như châu Âu. Tức là nguyên liệu sạch và chế biến sạch, không dùng các loại hóa chất trong chế biến và khi nguyên liệu đầu vào phải kiểm tra kỹ, tránh nấm mốc, tránh vi sinh, tạp chất.

Chính nhờ những yếu tố đó nên từ đầu đến khi gặp khách hàng Nhật ở triển lãm này, chúng tôi gửi mẫu sang cho họ kiểm tra thì họ chấp nhận ngay. Khách hàng Hà Lan cũng vậy. Tức là sản phẩm của chúng tôi từ đầu đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Nhiều bạn trẻ vẫn hỏi là sản xuất hàng nội địa xong chuyển sang xuất khẩu có vấn đề gì không. Thât ra, vấn đề không phải là chuyển từ sản xuất hàng nội địa chuyển sang xuất khẩu mà vấn đề là tiêu chí sản xuất sạch.

Nói về vấn đề gửi mẫu cho các nước tham khảo, chúng tôi vẫn giữ bao bì như trong nội địa. Khi nào họ yêu cầu dịch sang tiếng của đất nước họ thì mình dịch. Website của Dh Foods có 5 thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn và Đức. Thông tin trên bao bì sản phẩm xuất khẩu thì Dh Foods in theo tiếng của nước nhập khẩu.

Kế đến phải nói đến nguồn nguyên liệu. Ngay từ đầu dù rất vất vả nhưng chúng tôi chọn lựa nguyên phải sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Nên dù công ty chúng tôi nhỏ nhưng có những đối tác lớn. Hơn nữa, những đối tác lớn, sản phẩm xuất đi châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… cũng tìm đến chúng tôi.

Hiện nay công ty chưa đặt cho hẳn một đơn vị sản xuất nguyên liệu nhưng khi nhập nguyên liệu qua các đơn vị thu mua, chúng tôi test kỹ nguyên liệu phải đạt 3 tiêu chí công ty đưa ra.

PV: Nguyên liệu tiêu hoặc ớt, công ty Dh Foods nhập ở vùng nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Ớt chủ yếu ở Hải Dương và trong miền Nam. Còn ở miền Tây có công ty chuyên làm hàng cho các công ty Hàn, Nhật. 

Ảnh minh họa
DH Foods truwng bày tại siêu thị nước ngoài
DH Foods trưng bày tại siêu thị nước ngoài. 

 PV: Hiện nay Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế xanh. Ông nghĩ thế nào về xu hướng này?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Khi nói đến vấn đề xây dựng Việt Nam thành một nền kinh tế xanh thì có nhận định: bảo vệ nông dân hoặc tự làm là khó vì họ làm ra mà nếu các nhà xuất không thu mua, họ không biết bán cho ai, khi làm xanh thì giá thành sẽ cao hơn. Nếu nhà sản xuất ấy phải chấp nhận mua giá nguyên liệu sạch cao thì khi làm thương hiệu, anh sẽ bán được giá cao hơn. Thực ra thương hiệu là gì? Thương hiệu là cam kết về chất lượng, thương hiệu không phải là logo hay là bao bì mà là cái cam kết tôi có thương hiệu là tôi giữ uy tín cho chất lượng sản phẩm đó.

Chúng tôi bán giá sản phẩm bao giờ cũng đắt hơn các đối thủ khoảng 10-15%. Nên ban đầu rất là vất vả để thuyết phục mọi người là của tôi tốt hơn, sạch hơn. Chúng tôi mất 10 năm để khách dần dần quen với việc mua đắt hơn một chút, tốt hơn, sạch hơn và người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền. Nhất là lớp trẻ có thể ăn ít đi nhưng mà ăn loại tốt hơn, sạch hơn, hơn là mua số lượng nhiều và rẻ hơn. Tôi nghĩ là những người tiêu dùng đi mua đều xem thành phần. Nếu sản phẩm nào dùng hóa chất các bạn loại đi thì đảm bảo các nhà sản xuất cũng phải thay đổi nên người tiêu dùng là người quyết định.

Báo chí là một cơ quan rất đắc lực để tuyên truyền vấn đề khi mà ta ăn không sạch thì ta bệnh thì nhà nước lại tốn tiền, y tế, bảo hiểm tốn tiền. Đó là cái vòng luẩn quẩn còn tốn hơn nữa là đi chữa bệnh. Cho nên tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. 

Ảnh minh họa

  

 PV: Nói đến vấn đề sản xuất xanh của các bạn trẻ, ở vị trí là lãnh đạo, ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp ngày từ bây giờ hay không?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Hiện nay, theo tôi được biết, các bạn trẻ 9X khởi nghiệp cũng sản bắt đầu sản xuất nông sản sạch. Từ đó sẽ có nguồn nguyên liệu sạch, không dùng các hóa chất, các chất tẩy rửa, các chất bảo quản. Lời khuyên lớn nhất bây giờ là đi theo con đường này có thể vất vả nhưng có tương lai nên phải kiên trì và đừng nản lòng.         

Người tiêu dùng hiện nay đều lựa chọn những sản phẩm an toàn lành mạnh. Thông qua các kênh truyền thông nên họ biết được những tác hại của sản phẩm không sạch. Với người tiêu dùng, nên chú ý xem và phân biệt gia vị sạch bằng cách xem thành phần nên loại trừ chất bảo quản, phẩm tạo màu… Do đó, mỗi công ty sản xuất phải hướng đến sản xuất sạch để có những sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm của Dh Foodslà hoàn toàn tự nhiên, không hoá chất. Các đơn vị sản xuất thực phẩm lớn đều sử dụng sản phẩm của Dh Foods. Nên vấn đề ở chỗ là khách hàng biết lựa chọn thông minh, sản phẩm nào sẽ an toàn phù hợp với sức khoẻ của mình.

 Mị Dung
Ảnh: Bùi Kim Yến