Hoạt động công nghiệp đình trệ tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, đã tạo áp lực lớn lên giá đồng trên sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME). Giá đồng đã giảm khoảng 20% so với mức cao kỷ lục đạt hơn 11.100 USD vào tháng 5. Hiện tại, đồng chuẩn trên LME đã giảm 1,7%, xuống còn 8.905 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 13/3.
Bên cạnh đó, báo cáo việc làm yếu kém hàng tháng của Mỹ và một loạt báo cáo thu nhập không khả quan từ các công ty công nghệ lớn đã làm suy yếu thêm niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa và cổ phiếu. Điều này đã dẫn đến việc cổ phiếu châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng và cổ phiếu Nhật Bản, vào một thời điểm, đã vượt qua mức lỗ trong "Thứ Hai Đen" năm 1987 khi các nhà đầu tư rời bỏ thị trường do lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ.
Mặc dù có kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể cắt giảm lãi suất sâu hơn để hỗ trợ tăng trưởng, điều này có thể hỗ trợ nhu cầu đối với các kim loại định giá bằng USD. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đồng đang lo ngại về lượng hàng tồn kho gia tăng tại các kho được LME chấp thuận, với mức tăng hơn 140% kể từ giữa tháng 5, đạt mức cao nhất trong ba năm là 251.350 tấn. Phần lớn đồng trong các kho này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các kim loại khác: Giá chì giảm xuống 1.926,5 USD/tấn, mức thấp nhất trong chín tháng, trong khi giá nhôm giảm 0,4% xuống 2.254 USD/tấn, kẽm giảm 0,6% xuống 2.636 USD/tấn, thiếc giảm 2,6% xuống 29.400 USD/tấn, và niken giữ ổn định ở mức 16.265 USD/tấn.
Lượng hàng tồn trữ tại các nhà kho của các sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới được các nhà giao dịch và giới phân tích xem là chỉ báo về sức mạnh của thị trường. Lượng tồn trữ tăng khi thị trường dư cung và giảm khi nhu cầu vượt nguồn cung.
“Một nhà sản xuất đồng ở Trung Quốc ở thời điểm này sẽ tìm cách bán bớt lượng hàng tồn và tránh việc mua thêm từ thị trường vì nhu cầu đồng bây giờ không đến nỗi thấp nhưng cũng không phải là cao, mà giá đồng trên thị trường thế giới lại đang cao”, chiến lược gia David Wilson của Ngân hàng BNP Paribas nhận định.
Sự gia tăng của lượng đồng tồn trữ là dấu hiệu phản ánh rõ chưa có “ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, cũng như hoạt động sản xuất và tín dụng ở nước này vẫn còn yếu, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tránh sử dụng tới biện pháp kích cầu trực tiếp nhắm đến nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình.
P.V (t/h)