Khoảng 80% paladi được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô và khoảng 18% được sử dụng làm đồ trang sức. Kim loại này được coi là kim loại quý và thậm chí còn có mã tiền tệ ISO, có nghĩa là một số ngân hàng có thể chấp nhận thỏi paladi làm tiền gửi. Chỉ có vàng, bạc và bạch kim là những kim loại khác có mã như vậy. Paladi còn được sử dụng làm dụng cụ phẫu thuật, linh kiện điện, bugi và một số công cụ khác.
Giá trị của PGM nói chung đã tăng cao trong những năm gần đây. Vào ngày 10/12/2018, giá paladi đã vượt qua giá vàng trong khi vào tháng 7 năm ngoái, giá paladi cao hơn vàng khoảng 1.000 USD/ounce. Việc tăng giá của kim loại PGM phần nhiều do sự thay đổi trong nhận thức của con người về ứng dụng của thứ kim loại này.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô lớn đã đổ tiền vào sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe.
Sau vụ bê bối khí thải của Volkswagen, các công ty đã tìm cách hạn chế lượng khí thải trong sản phẩm của mình, từ đó làm tăng đáng kể nhu cầu đối với paladi, cho phép nó soán ngôi vàng trở thành kim loại quý đắt tiền nhất.
Cả bạch kim và paladi đều trải qua đợt giảm giá mạnh do thiếu chip ô tô trong những tháng qua. Tuy nhiên, thâm hụt nguồn cung đối với hai loại kim loại quý sẽ tăng lên khi tình trạng thiếu chip giảm bớt và mục tiêu sản xuất ô tô được khôi phục. Doanh số bán lẻ đã tăng tốt trong tháng 10, và lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy giá các kim loại quý này tăng thêm.
Bạch kim nói riêng có thể được hưởng lợi từ ngành công nghệ xanh, vì nó là một thành phần quan trọng trong pin cho xe điện. Bạch kim cũng là một trong những chất hiếm nhất trên thế giới, hiếm hơn vàng gấp 30 lần.
Trong khi đó, paladi sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với các loại xe hybrid. Các nguồn cung chính của paladi là ở Nga và Nam Phi. Những vấn đề địa chính trị nóng bỏng có khả năng tiếp tục làm giảm nguồn cung và tăng giá.
My My