Gã khổng lồ Microsoft sẽ chi hơn 3 tỷ USD để đầu tư vào Australia

16:00 24/10/2023

Khoản đầu tư này của Microsoft sẽ giúp mở rộng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) siêu quy mô của Australia trong 2 năm tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tập đoàn Microsoft sẽ đầu tư thêm 5 tỷ AUD (khoảng 3,179 tỷ USD) vào Australia, giúp quốc gia châu Đại Dương này trở thành nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới thông qua việc đầu tư đáng kể vào kỹ năng và đào tạo nhằm giúp mang lại cho những thế hệ người Australia tiếp theo các cơ hội việc làm và một tương lai tươi sáng hơn.

Khoản đầu tư này của Microsoft sẽ giúp mở rộng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) siêu quy mô của Australia trong 2 năm tới, giúp tăng số lượng trung tâm dữ liệu địa phương của quốc gia châu Đại Dương này từ 20 địa điểm lên 29 địa điểm ở các thành phố Sydney, Canberra và Melbourne.

Khoản đầu tư này cũng sẽ giúp đưa Australia trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về điện toán đám mây, với nhu cầu dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2026.

Ngoài khoản tiền hơn 3 tỷ USD, Microsoft sẽ hỗ trợ đào tạo 300.000 người Australia về các kỹ năng cần thiết để “thành công trong nền kinh tế kỹ thuật số” và mở rộng thỏa thuận chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mạng với cơ quan an ninh mạng của nước này, tập đoàn công nghệ nêu rõ.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết trong một tuyên bố do Microsoft đưa ra: “Đây là khoản đầu tư lớn vào kỹ năng và lực lượng lao động trong tương lai. Chúng ta cần cung cấp những kỹ năng để giúp công dân Australia thành công trong công việc”.

Giám đốc điều hành Microsoft tại Australia Steven Worrall, nhận định, khoản đầu tư này sẽ "không chỉ tạo điều kiện cho nền kinh tế kỹ thuật số an toàn và bảo mật hơn mà còn cung cấp nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong kỷ nguyên AI".

Mới đây, Australia thông báo có kế hoạch điều chỉnh chính sách quản lý trí tuệ nhân tạo bao gồm khả năng áp đặt lệnh cấm đối với các công nghệ Deepfake (công nghệ sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh giả lập chân thật) trong bối cảnh lo ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng.

Bộ trưởng Công nghiệp và Khoa học Australia Ed Husic đã chia sẻ với Đài Truyền hình ABC: “Rõ ràng là có một mối quan ngại trong cộng đồng về việc liệu công nghệ này có đang vượt lên chính nó hay không”.

Một báo cáo của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Australia được công bố hôm 1.6 cho thấy, nội dung do AI tạo ra có thể bị lạm dụng trong các cuộc tham vấn của quốc hội bằng cách tạo ra một loạt các thông tin để đánh lừa dư luận. “Các chính phủ có vai trò rõ ràng trong việc nhận ra rủi ro và đưa ra các biện pháp kiềm chế", ông Husic cho biết.

Australia là một trong những quốc gia đầu tiên "ra tay" điều chỉnh công nghệ AI, công bố khuôn khổ đạo đức tự nguyện vào năm 2018.

Ông Husic thừa nhận vẫn còn những lỗ hổng trong luật về bản quyền, quyền riêng tư và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cho biết chính phủ Australia muốn đảm bảo các khung pháp lý của họ "phù hợp với mục đích" trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI.

Hà Trang (t/h)