Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Đáng chú ý, Eximbank đã đưa ra các kế hoạch mục tiêu tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế đều tăng mạnh so với thực hiện năm trước.
Theo đó, Eximbak đưa ra đánh giá, dự báo năm 2023 nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát gia tăng và sức ép thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam với mục tiêu năm 2023 tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, mục tiêu GDP đạt 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 7-8% so với năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, thu hút FDI tăng, dự trữ ngoại hối duy trì ở mức 3-4 tháng nhập khẩu.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15%. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trên cơ sở đánh giá phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Eximbank đã lên kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp về nền tảng khách hàng, sản phẩm và giá, quản trị rủi ro, công nghệ vận hành, tổ chức nhân sự, marketing và thương hiệu.
Cụ thể, kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được HĐQT thông qua tại Nghị quyết số 461A/2022/EIB/NQT-HĐQT ngày 2/12/2022 với các chỉ tiêu tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế đều tăng mạnh.
Mục tiêu tổng tài sản năm 2023 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn cuối kỳ đạt 165.000 tỷ đồng (tăng 11%), dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng (tăng 12,3%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,5%.
Nói về năm 2022, Eximbank nhìn nhận, năm qua có nhiều biến động về tình hình kinh tế xã hội tại Việt Nam. Ảnh hưởng của hậu Covid-19 vẫn còn tiếp diễn trong khi lãi suất huy động và cho vay biến động mạnh do ảnh hưởng của những thông tin bất lợi trong ngành. Lạm phát toàn cầu khó dự đoán, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt.
Tuy vậy, Eximbank đã vượt nhiều chỉ tiêu đề ra với tổng tài sản đạt 185.056 tỷ đồng, tăng hơn 11,6% so với thực hiện của năm 2021 và vượt 3% chỉ tiêu kinh doanh. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế công ty đạt 3.709 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu đề ra và tăng 207,7% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả này, lợi nhuận của Eximbank năm 2022 gấp ba lần so với đạt được của năm 2021.
Eximbank cho biết, năm 2022 ngân hàng đã giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho vay phục vụ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất kinh doanh đã giúp cho ngân hàng tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần an toàn thanh khoản, hạn chế được rủi ro đánh giá lại tài sản đầu tư khi lãi suất tăng nhanh.
PV (t/h)