Sự kiện do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức nhằm mục tiêu triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại tỉnh Ninh Thuận và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu về vốn vay, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc phục hồi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, là cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng cơ hội, kết nối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để tìm hiểu, nắm bắt một số điều kiện, quy định, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ giới thiệu cơ chế cho vay mới theo Nghị định 78/2023/NĐ-CP, với nhiều ưu đãi thiết thực:
Lãi suất vay 2025 chỉ 6,9%/năm, linh hoạt điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ.
Hạn mức vay tối đa lên đến 12.000 tỷ đồng/doanh nghiệp, 20.000 tỷ đồng/nhóm khách hàng.
Ưu tiên tài trợ cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, năng lượng tái tạo, cảng biển, khu công nghiệp, cấp nước sạch, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn…
![]() |
Các dự án năng lượng sạch là một trong những dự án điểm được vay vốn ưu đãi từ VDB |
Tính đến quý I/2025, VDB đã ký kết 31 hợp đồng tín dụng mới, với tổng số tiền phê duyệt 12.243 tỷ đồng, giải ngân 3.137 tỷ đồng. Tại Ninh Thuận, VDB khu vực Nam Trung Bộ đang thẩm định 03 dự án với tổng vốn vay trên 2.000 tỷ đồng, hướng đến tổng vốn cho vay năm 2025 từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng.
Theo quy định, hiện VDB có thể cho vay đối với một khách hàng tối đa khoảng 12.000 tỷ đồng và đối với nhóm khách hàng tối đa khoảng 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn nêu trên trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và đề nghị của VDB.
Vị trí chiến lược – Tiềm năng đột phá
Tọa lạc trên trục kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ – Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, tỉnh Ninh Thuận là điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,85%/năm giai đoạn 2021–2024. Tính đến quý I/2025, tỉnh đã thu hút được 488 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 247.300 tỷ đồng, trong đó có 44 dự án FDI với hơn 1,2 tỷ USD.
Môi trường đầu tư không ngừng cải thiện, với chỉ số năng lực cạnh tranh PCI xếp hạng 13/63 tỉnh thành năm 2024, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tỉnh nằm trong nhóm điều hành tốt nhất cả nước.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận định hướng phát triển 5 cụm ngành đột phá gồm: năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao và thị trường bất động sản hiện đại.
Với nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại địa phương năm 2025 khoảng 22.500 tỷ đồng, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm về năng lượng, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đến năm 2030. Trong đó: điện mặt trời 1.974MW, điện gió 1.039MW; LNG Cà Ná 1.500MW; hydrogen; Dự án Khu Công nghiệp Cà Ná (giai đoạn 1, quy mô 378ha) và các 09 cụm công nghiệp mới theo Quy hoạch tỉnh với tổng diện tích trên 412 ha; dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2 (quy mô 300.000 DWT) gắn với Cảng cạn, Trung tâm logistics Cà Ná 120ha theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại với năng lực thông qua từ 150.000 – 200.000TEU/năm…
![]() |
Cảng biển Cà Ná - một trong năm mục tiêu chiến lược phát triển quan trọng của tỉnh cũng được hỗ trợ vay vốn |
Việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giúp chủ đầu tư huy động thêm cùng các nguồn vốn khác để thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng của tỉnh, góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2025 ở mức 13 - 14%, đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 42 - 43%, dịch vụ 32 - 33%, nông lâm thủy sản chiếm 24 - 25% trong GRDP. Tăng GRDP bình quân đầu người từ mức 98,2 triệu đồng/người trong năm 2024 lên 115 triệu đồng/người trong năm 2025.
Tại Hội nghị, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ đồng hành, hợp tác để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, chung tay thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, góp phần tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực cần ưu tiên theo đúng chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ.
Việc "gỡ van" tín dụng từ VDB sẽ đưa các dự án đang đầu tư tại Ninh Thuận hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác sớm. Đó cũng là cách hiện thực hóa các chính sách đầu tư, giữ chân nhà đầu tư ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa kinh tế - xã hội Ninh Thuận phát triển bền vững.