Báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết trong tháng 5 các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh và đường lậu hoàn toàn thống trị thị trường, khiến cho các loại đường nhập khẩu chính ngạch và đường làm từ mía không thể tiêu thụ được.
Số liệu xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu do Thái Lan công bố) cho thấy có sự gia tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, Campuchia đã nhập khẩu đường từ Thái Lan hơn 229.200 tấn tăng 127% còn Lào còn nhập khẩu hơn 147.200 tấn tăng đến mức 304% so với cùng kỳ.
Theo VSSA, thực chất lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Lào chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng mức độ bùng nổ khi đã vượt qua mức nhập khẩu cả năm 2021.
Đối chiếu dữ liệu nhập khẩu đường 4 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch 73.190 tấn từ Campuchia và gần 123.380 tấn từ Lào, chỉ chiếm khoảng 52% lượng đường hai nước Campuchia và Lào đã nhập từ Thái Lan cùng thời gian đó, và hầu như lượng đường còn lại sẽ được nhập lậu vào Việt Nam.
"Điều này đã giải thích cho hiện tượng đường Thái Lan nhập lậu đang tràn ngập thị trường đường tự do của Việt Nam từ bắc chí nam", VSSA nhận định.
Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại và nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được phát hiện tại hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Tuy nhiên, VSSA cho rằng tất cả các vụ việc phát hiện cho đến nay chỉ được xử lý hành chính và hầu như không có tác dụng răn đe khiến hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối từ tháng 12/2021 cho đến nay vẫn chưa giảm nhiệt.
PV