Đây là hoạt động thiết thực của Đồng Nai nhằm nâng cao nhận thức và năng lực quản lý công tác an toàn trong lao động, đặc biệt trong bối cảnh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp được trang bị hệ thống kiến thức chuyên sâu và cập nhật về ATVSLĐ, bao gồm các nội dung trọng tâm như: Hệ thống quy định pháp luật hiện hành; nhận diện và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong môi trường làm việc; quy trình khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động; cũng như các chính sách, chế độ dành cho người lao động trong lĩnh vực bảo hộ lao động.
![]() |
Đồng Nai huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 250 doanh nghiệp, hướng tới sản xuất an toàn. (Ảnh : Đồng Nai online) |
Ngoài ra, hội nghị còn nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và cải thiện điều kiện làm việc tại nơi sản xuất. Những nội dung này đặc biệt quan trọng đối với các ngành có nguy cơ rủi ro cao như chế biến gỗ, dệt may – nơi người lao động thường xuyên tiếp xúc với máy móc, hóa chất hoặc môi trường làm việc có yếu tố nguy hiểm.
Đại diện Sở Nội vụ Đồng Nai cho biết, hội nghị huấn luyện không chỉ là hoạt động nâng cao kỹ năng và nhận thức, mà còn là giải pháp chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, nhân văn và bền vững. Qua đó, các chủ doanh nghiệp có thể nắm vững kiến thức pháp lý và kỹ thuật, từ đó chủ động phổ biến, hướng dẫn lại cho người lao động tại đơn vị mình.
“An toàn lao động không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yếu tố then chốt đảm bảo sự ổn định và phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ sẽ giúp giảm thiểu tổn thất về con người và tài sản, đồng thời nâng cao năng suất lao động và hình ảnh doanh nghiệp trong cộng đồng,” một chuyên gia tại hội nghị nhấn mạnh.
Hội nghị lần này là một trong những chuỗi hoạt động thiết thực của tỉnh Đồng Nai trong việc đẩy mạnh tuyên truyền và thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nơi tập trung đông lực lượng lao động trong các lĩnh vực sản xuất có tính đặc thù cao.